TS. Phạm Duy Phong, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Điện lực (ETECO), chủ nhiệm đề tài cho biết, trong quá trình làm việc, nhóm tác giả đã đưa ra nhiều giải pháp để đánh giá hiệu quả của việc tiết kiệm điện năng, trong đó giải pháp điều khiển dùng tủ điều khiển tổng có khả năng điều chỉnh linh hoạt, chính xác và phù hợp với nhu cầu hiện nay tại Thái Bình nhất. Từ đó, nhóm tác giả tiến hành thiết kế, chế tạo thiết bị tự động điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng công cộng.
Hệ thống chiếu sáng công cộng tại thành phố Thái Bình
|
Ðối với tủ điều khiển tổng, đây là thiết bị sử dụng vi điều khiển và IC thời gian thực, có khả năng điều chỉnh công suất theo thời gian cài đặt trước. Hệ thống đèn chiếu sáng hiện nay chủ yếu sử dụng điện áp đầu vào 220V với các cấp công suất khác nhau. Tuy nhiên, do mạng điện lưới hiện tại ở Thái Bình cũng như trên toàn quốc là mạng điện 3 pha 380 V, nên tủ điều khiển được thiết kế để có thể điều chỉnh điện áp cho phù hợp với hệ thống đèn chiếu sáng.
Tủ điều khiển tổng có khả năng đóng ngắt điện áp trên cả 3 pha và đóng ngắt trên từng pha với tổng công suất 30 kVA hoặc lớn hơn. Việc đóng ngắt cho cả 3 pha và trên mỗi pha được thực hiện bởi các khởi động từ. Trên mỗi pha có các đồng hồ đo các giá trị điện áp và cường độ dòng điện. Ðiện áp xoay chiều cấp ở đầu vào tủ nằm trong khoảng 260 V - 430 V, điện áp ra sẽ được điều chỉnh ở mức từ 160 V - 248 V. Khi xảy ra sự cố quá tải hoặc quá áp, aptomat 3 pha sẽ ngắt toàn bộ điện cung cấp để bảo vệ thiết bị và hệ thống đèn chiếu sáng.
Thiết bị đã được lắp đặt thử nghiệm tại đường Chu Văn An, thành phố Thái Bình. Sau một tháng thử nghiệm với 21 bóng đèn có công suất 250 W, kết quả cho thấy, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện đã tiết kiệm được khoảng 35% lượng điện năng tiêu thụ.
Với hiệu quả trên, nếu nhân rộng mô hình này trên toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng của thành phố Thái Bình, mỗi năm sẽ tiết kiệm được hàng triệu kWh, tương đương số tiền hàng tỷ đồng. Ðồng thời, việc đưa vào sử dụng thiết bị này sẽ đóng góp một phần lớn vào việc bảo vệ môi trường, giảm chi phí vận hành, quản lý, khai thác, bảo dưỡng hệ thống, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị.
Nói về hướng phát triển tiếp theo của đề tài, TS. Phạm Duy Phong cho biết, với những kết quả khả quan của đề tài, ETECO đang tiếp tục nghiên cứu nâng cấp công nghệ để điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng của thành phố Thái Bình từ Trung tâm dựa trên WebServer và mạng thông tin di động, là cơ sở quan trọng để xây dựng Trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng của thành phố Thái Bình.