Áp dụng đấu thầu đối với các dự án năng lượng tái tạo sẽ giúp tăng công suất nguồn điện tái tạo trong tương lai - Ảnh: P.H |
Hiện nay, việc phát triển dự án điện tái tạo đang được hưởng chính sách khuyến khích. Như với dự án điện mặt trời là chính sách giá mua cố định (giá FIT) trong 20 năm với mức giá từ 7,09 - 9,35 cent/kWh.
Điều này, theo Ngân hàng Thế giới (WB), đã giúp Việt Nam thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án. Tuy nhiên, thành công này cũng làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có rủi ro “giảm phát”, là tình trạng các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt.
Một báo cáo mới công bố gần đây của WB về “Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện mặt trời ở Việt Nam” cho biết, Việt Nam có thể tăng công suất điện mặt trời từ 4,5GW hiện nay lên hàng chục GW trong 10 năm tới nếu áp dụng phương pháp tiếp cận mới trong đấu thầu để lựa chọn và triển khai các dự án điện mặt trời.
Báo cáo kiến nghị 2 phương án mới triển khai dự án gồm: đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời và đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp (đấu thầu cạnh tranh dựa vào công suất khả dụng ở các trạm biến áp điện/lộ đường dây). Các phương pháp tiếp cận này sẽ giải quyết được vấn đề về giảm phát cũng như cải thiện chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân. Đợt đấu thầu thí điểm đầu tiên - đấu thầu cạnh tranh quy mô 500MW theo trạm biến áp và 500MW công viên điện mặt trời mặt đất - dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2020 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của WB.
Trước đó, dự án Công viên điện mặt trời quốc gia (National Solar Park) có công suất 60MW tại tỉnh Kampong Chhnang (Campuchia) được đấu thầu thành công với giá chỉ 3,877 cent/kWh (đơn vị trúng thầu là nhà thầu đến từ Thái Lan) đã được Ngân hàng Phát triển châu Á thảo luận với cơ quan quản lý ngành điện Việt Nam như là một ví dụ về triển vọng cho việc thí điểm đấu thầu dự án đầu tiên tại Việt Nam.