Thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông

Là lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Võ Tuấn Nhân tại lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 do Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức tối 4/6, tại thành phố Quy Nhơn.

Công nhân Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn thu gom túi ni lông và rác thải nhựa trên bãi biển - Ảnh: Minh Phương.

Ngày Môi trường thế giới năm 2018 được Liên Hợp Quốc tổ chức với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa và nilon tới môi trường tự nhiên và sức khỏe của con người.

Tại lễ phát động "Tháng hành động vì môi trường 2018", Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và từng người dân bằng những hành động thiết thực nhằm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon để góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Bà Caitlin Wiesen – Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ và kêu gọi: “Nếu cứ tiếp diễn như hiện tại, đến năm 2030, đại dương của chúng ta – hộp nhựa và túi nilon nhiều hơn là cá. Hành động đơn giản là từ chối dùng hộp nhựa, túi nilon một lần và từ chối những thứ không thể tái sử dụng".

Theo báo cáo “Thực trạng nhựa” và “Hành tinh của chúng ta đang chìm trong ô nhiễm nhựa” của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2018, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được mua; 500.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ mỗi năm. Với mức độ tiêu thụ như hiện nay, dự báo thế giới có khoảng 12 tỷ tấn chất thải nhựa được chôn lấp và thải ra môi trường vào năm 2050.

Ở Việt Nam, theo thống kê bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon trong một tháng, riêng hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, chất thải nhựa và túi nilon tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trở thành một thách thức rất lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để mọi người khẳng định quyết tâm, hành động, thay đổi nhận thức để ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Kể từ năm 1972 đến nay, Ngày Môi trường thế giới trở thành phong trào rộng khắp trên toàn thế giới nhằm tăng cường nhận thức và hành động của nhân loại đối với công tác bảo vệ môi trường. Hàng năm có hàng triệu người của hơn 143 quốc gia tham gia hưởng ứng sự kiện này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong chính sách môi trường quốc tế cũng như hành vi của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có nội dụng về quản lý chất thải nhựa và túi nilon.

 


  • 06/06/2018 11:04
  • Minh Phương
  • 3167