Diễn đàn nhằm kiến nghị giải pháp liên quan tới chính sách phát triển, chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, năng lượng là bài toán quan trọng và phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, điều này càng đúng và có ý nghĩa thiết thực hơn đối với các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước.
Toàn cảnh diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam và trao chứng nhận Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam 2020 - Ảnh: N.T.T |
Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Đỗ Đức Quân, ngày 11/2/2020 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045.
Ông Quân cho biết để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời. Theo đó, áp dụng giá mua ưu đãi cố định trong 20 năm cho từng loại hình năng lượng tái tạo này, cùng với đó là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế sử dụng đất ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.
Về hiện trạng phát triển NLTT, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2020 tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 485MW, điện mặt trời đạt 5.829MW, điện sinh khối đạt 169MW chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc. Về sản lượng, tính đến hết tháng 9/2020, điện sản xuất từ điện gió đạt 630 triệu kWh, điện mặt trời đạt 7.274 triệu kWh, điện sinh khối đạt 303 triệu kWh chiếm khoảng 4,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn quốc. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 14/10/2020 đã có trên 57.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.747MWp.
Ông Quân chia sẻ, trong thời gian tới theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, để có thể phát triển NLTT mạnh mẽ, bền vững, cần tập trung vào các nội dung chính là: Chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
Tại diễn đàn, đại diện các Bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư đã chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo Việt Nam,… góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng tại diễn đàn, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam 2020 cho 11 dự án NLTT tiêu biểu đã đi vào hoạt động. Những dự án được vinh danh không chỉ hướng đến lợi ích cộng đồng, cũng như hiệu quả kinh tế có thể mang lại mà còn vượt qua các tiêu chí chọn lọc khắt khe về môi trường, thiết kế, kỹ thuật…
Đây cũng là sự ghi nhận đối với những đóng góp của các dự án này với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương và đất nước.