Thống kê cho thấy, trong tổng tiêu dùng năng lượng tại Việt Nam, các công trình tòa nhà cao tầng như: Khách sạn, tòa nhà thương mại… tiêu thụ từ 35 đến 40%. Do vậy, nếu tiết kiệm được năng lượng trong khu vực này thì tổng lượng điện năng tiết kiệm được cho toàn xã hội là rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khoảng 95% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. Đây là một sự lãng phí rất lớn, đặc biệt khi nước ta đang có tốc độ tăng trưởng xây dựng cao, tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tăng trưởng với tốc độ 6- 7% mỗi năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà tương đối lớn, có thể lên đến 30%. Thực tế, các tòa nhà được xây dựng sau với quy mô lớn thì việc thực hiện tiết kiệm năng lượng sẽ tốt hơn bởi các toà nhà này có hệ thống nước nóng mặt trời, hệ thống điều hòa không khí, cửa sổ dùng kính cách nhiệt…
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay mức năng lượng một tòa nhà sử dụng thường cao hơn mức năng lượng một nhà máy sử dụng. Trong một toà nhà, các thành phần sử dụng năng lượng bao gồm hệ thống điều hoà không khí, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống thang máy và các thiết bị phụ trợ khác như bơm nước, thông gió… Cơ cấu sử dụng năng lượng của một toà nhà bao gồm: Năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hoà không khí chiếm 40 – 60%, hệ thống chiếu sáng chiếm khoảng 15-20%, các thiết bị văn phòng chiếm 10 – 15%, phần còn lại dành cho các thiết bị phụ trợ khác…
|
Các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội vẫn còn nhiều tiềm năng tiết kiệm điện - Ảnh: Internet. |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tòa nhà cao tầng, vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả đang được đặt cấp thiết nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Bởi tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho DN mà còn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Để thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu trong các tòa nhà cao tầng không chỉ dựa vào các yếu tố kỹ thuật mà phải dựa vào các yếu tố tự nhiên trong xây dựng như khoảng không gian xanh để lấy ánh sáng và không khí từ thiên nhiên. Ngoài ra, giải pháp đơn giản nhất là tắt các thiết bị sử dụng năng lượng khi không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo cho công việc vận hành tốt, hệ thống quản lý năng lượng tốt…
Đối với nguồn năng lượng, để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các khách sạn cần hình thành được hệ thống quản lý năng lượng; sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện; khuyến khích các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời… Chẳng hạn như tại TTTM Mê Linh Plaza đã cắt giảm và phân bố lại các khu vực chiếu sáng không cần thiết, thay thế toàn bộ 6000 bóng đèn T10 chấn lưu sắt từ bằng bóng đèn T8 chấn lưu điện tử), lắp đặt hệ thống tủ bù tại các trạm biến áp, đảm bảo hệ số cosφ luôn đạt trên 0,9.
Bên cạnh đó, Mê Linh Plaza đã tiến hành phân chia và lắp đặt đồng hồ đo đếm cho từng khu vực tiêu thụ năng lượng chính, đồng thời cài đặt nhiệt độ điều hòa tương ứng với mỗi khu vực từ 26oC trở lên. Lắp đặt hệ thống quạt cắt gió cho các cửa ra vào hạn chế thất thoát nhiệt điều hòa bên trong và ngoài tòa nhà. Với những giải pháp này, TTTM Mê Linh Plaza đã tiết kiệm được 440 triệu đồng.
Còn tại khách sạn Hà Nội, đã tiến hành thay thế 1000 bóng đèn sợi đốt công suất 40W bằng các bóng compact 7W vừa tiết kiệm điện năng mà vẫn đảm bảo ánh sáng sinh hoạt và không ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Bên cạnh đó khách sạn cũng đang sử dụng hơn 2000 bóng đèn Led chiếu sáng kết hợp với bóng compact. Kết quả, các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại hệ thống chiếu sáng đã giúp khách sạn giảm tiêu thụ 167 nghìn Kw/năm. Lãnh đạo khách sạn cho biết, các biện pháp tiết kiệm năng lượng đang được áp dụng tại đây đã giúp giảm chi phí trên 216 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh những giải pháp thay đổi công nghệ mới hiện đại, sử dụng trang thiết bị hiệu quả năng lượng cao, một giải pháp quan trọng là đội ngũ quản lý và bảo dưỡng các thiết bị tiêu thụ năng lượng tại tòa nhà. Không chỉ các kỹ sư, kỹ thuật viên thường xuyên cập nhật các biện pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu để áp dụng thực hiện mà còn cần có sự phối hợp giữa các bộ phận trong tòa nhà, nhờ đó thiết bị luôn được vận hành hợp lý, tránh lãng phí.
Theo ông Đào Hồng Thái- Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội, tại mỗi tòa nhà cao tầng nên thành lập Ban quản lý năng lượng. Các thành viên của Ban quản lý năng lượng sẽ tạo điều kiện tích hợp các định hướng tiết kiệm năng lượng vào chính sách chất lượng, vì tiết kiệm năng lượng góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh.