Cô Nguyễn Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào cho biết, kể từ khi thành lập trường (năm 1980) hệ thống điện của trường thường do nhà thầu xây dựng và hoàn thiện, chưa có hệ thống điện phù hợp với các bé trong độ tuổi mầm non.
Việc tìm những “mạnh thường quân” tài trợ cho việc chuẩn hóa nguồn chiếu sáng cho bé để đảm bảo sức khỏe đôi mắt được Ban giám hiệu nhà trường trăn trở rất nhiều. Sau nhiều năm mong đợi của các cô, bé, dịp may cũng đến khi trường Anh Đào cải tạo lại hệ thống phòng học, trường đã được Sở Công Thương cấp kinh phí thực hiện mô hình sử dụng điện tiết kiệm.
|
Cô và bé trường Mầm non Anh Đào (thành phố Đà Lạt) giờ đã được học và sinh hoạt với nguồn sáng đạt chuẩn - Ảnh: Thiên Phương. |
Theo đó, Trung tâm Tư vấn phát triển công nghiệp đơn vị trực tiếp thực hiện mô hình sử dụng điện tiết kiệm đã tới trường, đo độ sáng từng điểm trong các lớp học và lắp đặt những thiết bị tiết kiệm điện phù hợp. Ở trong các phòng học, bóng đèn led dạng dài được sử dụng, tại các khu phụ là bóng led đèn tròn, hình thức các bóng đều rất đẹp và ánh sáng rất phù hợp cho bé. Ánh sáng được đo đạc cẩn thận từng mỗi góc cạnh đảm bảo các cháu được sinh hoạt, vui chơi trong một không gian phù hợp.
Không chỉ thay đổi thiết bị điện sang dạng tiết kiệm điện, Trung tâm còn tổ chức tập huấn cho giáo viên, CB-CNV của nhà trường về thực hiện tiết kiệm điện. Từ các hành vi rất nhỏ như tắt điện khi ra khỏi lớp cho tới sử dụng máy móc phù hợp đều được hướng dẫn tới các cô cùng cán bộ trong trường.
Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, giám sát để mọi người không quên hành vi tiết kiệm điện, dần dần hình thành thói quen tốt trong mọi nơi, mọi lúc. Ở mỗi lớp, các cô đều làm những bảng ghi nhớ với những lời nhắc nhở dễ thương về tiết kiệm điện được dán ở những góc dễ nhìn nhất nhằm nhắc nhở bản thân mình trong mỗi việc làm, hành động.
Cô Phương cho biết thêm, từ tháng 8 năm 2013, khi mô hình tiết kiệm điện của trường hoàn thành và đưa vào sử dụng tới nay mỗi tháng sản lượng điện tiết kiệm được khoảng 20-30%, qua đó thói quen tiết kiệm điện cũng đã được hình thành trong toàn thể CB-CNV, giáo viên nhà trường.
Không chỉ có hiệu quả tốt trong tiết kiệm điện và bảo đảm sức khỏe thị giác cho cô và bé, thực hiện mô hình sử dụng tiết kiệm điện còn giúp cô giáo của trường nâng cao ý thức tiết kiệm điện và từ đó, các cô đưa vào dạy dỗ các bé hàng ngày.
Cô Hoàng Bích Trâm, chủ nhiệm lớp Lá 3 cho hay: "Được tập huấn và hàng ngày thực hiện việc tiết kiệm điện, tôi cảm thấy các hoạt động tiết kiệm điện giống như thói quen hàng ngày. Và cũng vì vậy, việc giáo dục các bé biết tiết kiệm điện, tiết kiệm nước cũng dễ dàng và thuận lợi hơn. Chúng tôi luôn tự nhắc bản thân phải thực hiện các hành vi tiết kiệm hàng ngày, không phải chỉ ở trường mà cả ở nhà cũng trở thành thói quen tốt hàng ngày". Với các bé, việc được cô nhắc nhở thường xuyên, nhận thức được từ hành động tới lời nói của các cô cũng đã góp phần rất lớn tới việc hình thành thói quen tiết kiệm điện. Thậm chí, có bé còn biết yêu cầu người lớn trong nhà tắt đèn khi ra khỏi nhà, một việc làm mà nhiều người lớn vẫn quên và không chú ý.
Tiết kiệm điện đã, đang và sẽ là hành động được cả xã hội hướng tới thực hiện nhằm hướng tới một môi trường bền vững. Và thực hiện mô hình tiết kiệm điện trong trường học càng quan trọng hơn bởi góp phần bảo vệ đôi mắt trẻ thơ đồng thời góp phần hình thành ý thức tiết kiệm điện từ khi còn nhỏ. Với Trường Mầm non Anh Đào, từ việc nhỏ như tắt đèn hôm nay, các bé sẽ hình thành được ý thức tiết kiệm cho ngày mai.