Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc (LHQ), các loại đèn compact CFC hay các loại đèn LED có ưu điểm tiết kiệm năng lượng từ 20% đến 50% và tuổi thọ cao gấp khoảng 10 lần so với những loại bóng đèn sợi đốt cùng công suất. Vì thế, ngày nay đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới phê chuẩn các nội quy, biện pháp loại bỏ bóng đèn sợi đốt. Tuy nhiên, mỗi quốc gia xuất phát từ nhiều hoàn cảnh kinh tế và nhận thức khác nhau, nên quá trình loại bỏ này cũng rất đa dạng.
Tại Trung Quốc, nước này đã cấm nhập khẩu và bán một số bóng đèn sợi đốt bắt đầu từ tháng 10/2012, nhằm mục đích bảo tồn năng lượng và khuyến khích sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng.
Với kế hoạch 5 năm, Trung Quốc sẽ bắt đầu loại bỏ bóng đèn sợi đốt từ bóng có công suất 100 Watt, và dần dần mở rộng lệnh cấm đối với loại bóng đèn 15 Watt. Từ 1/10/2016, tất cả bóng đèn sợi đốt sẽ bị cấm sử dụng tại nước này.
|
Sơ đồ mô phỏng loại bỏ bóng đèn sợi đốt của một số quốc gia trên thế giới. |
Vào năm 2012, Ấn Độ chưa phải là quốc gia áp dụng lệnh cấm hoàn toàn mà là có kế hoạch thay thế 400 triệu bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact. Các bang Tamil Nadu và Karnataka ở Ấn Độ đã cấm sử dụng bóng đèn sợi đốt tại các cơ quan thuộc Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và các Tổ chức viện trợ của Chính phủ. Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng Ấn độ, việc tiết kiệm năng lượng này sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon khoảng 55 triệu tấn mỗi năm.
Là một quốc gia áp dụng các biện pháp loại bỏ bóng đèn sợt đốt khá sớm, từ năm 2010, Philippines đã chính thức áp dụng các biện pháp loại bỏ đèn sợi đốt và thay thế bằng các loại đèn compact và LED.
Trước đó, vào tháng 2/2008, tại Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng Philippines - Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đã kêu gọi ứng dụng các biện phép loại bỏ bóng đèn sợi đốt và khuyến khích sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 16/7/2013 đã chính thức công bố về kế hoạch cấm sản xuất và nhập khẩu bóng đèn sợi đốt và thay thế các loại đèn này bằng các loại đèn hiệu quả năng lượng.
Ngày 1/1/2014, áp dụng lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu bóng đèn sợi đốt. Đây là một phần của quyết định được đưa ra từ năm 2008 nhằm chấm dứt dần việc sử dụng loại bóng không hiệu quả năng lượng.
Là một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về hiệu quả năng lượng, Bộ Năng lượng Israel đã khởi xướng chiến dịch loại bỏ bóng đèn sợi đốt loại 60W và thay thế bằng các loại bóng đèn huỳnh quang, compact tiết kiệm năng lượng (CFL), trong đó có áp dụng biện pháp giá trợ cấp cho cộng đồng từ ngày 1/1/2012.
Trong năm 2008, chính phủ Ireland công bố loại bỏ bán bất kỳ loại bóng đèn có hiệu suất phát sáng dưới 16 lumens/watt. Ngay sau đó, tất cả các nước thành viên của EU đã đồng ý tiến trình loại bỏ các bóng đèn sợi đốt vào năm 2012.
|
Bóng đèn sợi đốt (đèn tròn) đang được các nước trên thế giới dần loại bỏ và thay thế bằng những bóng đèn tiết kiệm điện năng. |
Vào tháng 4/2007, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của thành phố Ontario, Canada đã tuyên bố ý định của chính quyền là cấm bán bóng đèn sợi đốt vào năm 2012 như một phần của kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ liên bang đã cấm nhập khẩu bóng đèn sợi đốt loại 75 Watt và 100 Watt từ 1/1/2014. Từ 31/12/2014, sẽ áp dụng nội quy cấm nhập khẩu bóng đèn sợi đốt loại 40 Watt và 60 Watt.
Tại Mỹ, công chúng phải nói lời tạm biệt với bóng đèn sợi đốt 40 Watt và 60 Watt bắt đầu từ ngày 1/1/2014, các doanh nghiệp sẽ không còn được phép nhập khẩu hoặc sản xuất loại bóng đèn này nữa. Đây là những nỗ lực của chính phủ liên bang Hoa Kỳ trong chiến dịch nâng cao hiệu quả năng lượng. Lệnh cấm bóng đèn sợi đốt loại 40 Watt và 60 Watt được áp dụng sau lệnh cấm bóng đèn sợi đốt loại 100 Watt trong năm 2012 và 75 Watt trong năm 2013.
Tháng 2/2007, Úc đã ban hành một đạo luật không bán bóng đèn sợi đốt vào năm 2010. Bên cạnh đó, chính phủ cũng công bố tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) áp dụng cho các sản phẩm chiếu sáng. Từ tháng 11/2008, áp dụng nội quy là nếu sản phẩm đèn chiếu sáng không tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc gia sẽ không được nhập khẩu vào nước Úc. Từ tháng 11/2009, cấm hòan toàn bán các sản phẩm đèn sợi đốt.
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg có Quy định đối với sản phẩm đèn tròn (đèn sợi đốt), từ ngày 1/1/2013, không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn có công suất lớn hơn 60 Watt.
Như vậy, đã có rất nhiều quốc gia ngày càng áp dụng nhiều biện pháp loại bỏ bóng đèn sợi đốt và thay thế bằng các loại đèn compact. Hiện LHQ cũng đang làm việc với đại diện của các quốc gia như Nga, Morocco nhằm thuyết phục các nước này áp dụng các lệnh cấm tương tự.