Tiết kiệm điện triệt để

Không ít cơ quan chức năng, các DN và người dân đang có những thay đổi để thắt lưng, buộc bụng, tiết kiệm chi phí về điện ở mức thấp nhất...

 

                       

                                       Cùng chung tay tiết kiệm điện. Ảnh minh họa

 

Cắt giảm chi phí

 

“Không tiết kiệm thì chỉ có nước sập tiệm, chúng tôi phải tính toán từng ly, từng tí” - ông Nguyễn Tuấn Khải - Chủ tịch kiêm TGĐ Cty cổ phần sữa quốc tế IDP phân trần. Từ cuối năm ngoái, IDP triển khai DA đầu tư thay thế trang thiết bị giảm tiêu hao điện năng để thay thế các trang thiết bị cũ, sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời để giảm chi phí.

 

Tổng mức đầu tư cho thiết bị khoảng 14 tỉ đồng, theo tính toán, mới khoảng 9 tháng, Cty đã tiết kiệm được 7 tỉ đồng. “Điện chiếm 6% giá thành, nhưng lại là sản phẩm đầu vào rất quan trọng” - ông Khải nói.

 

TS Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN cho biết: “Toàn ngành đã có chủ trương về tiết kiệm điện, như các NM ximăng có công suất từ 1.000 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt lò thu hồi nhiệt thải trong quá trình sản xuất để phát điện. Mỗi lò thu hồi nhiệt kiểu này sẽ tiết kiệm 20% chi phí điện năng mỗi năm. Hiện mới có 2 NM áp dụng công nghệ này là Ximăng Hà Tiên 2 (Kiên Giang) và Ximăng Công Thanh (Thanh Hoá). Lý do để các DN chưa triển khai là do suất đầu tư cao. Để sản xuất 1 MW điện phải đầu tư lên tới 1,5-2 triệu USD.

 

Ông Nguyễn Văn Bé – Tổng GĐ Cty khai thác liên doanh KCX Sài Gòn – Linh Trung, TPHCM cho biết: “Các DN muốn giảm chi phí, phải thực hiện rốt ráo tiết kiệm điện, cải tiến kỹ thuật; làm sao sử dụng năng lượng ít nhất, mà phải đạt hiệu suất làm việc cao nhất”. Ông Phan Anh Việt – GĐ tài chính TCty Liksin – cho rằng: “Chúng tôi buộc phải tiết kiệm đồng vốn, giảm chi phí không cần thiết, cải tiến kỹ thuật, rà soát tất cả mọi khâu, quy trình sản xuất, nhằm tối ưu hóa khả năng tiết kiệm điện”.

 

Tương tự, tại Cty Sản xuất bánh kẹo Bibica, theo ông Phạm Văn Thiện – Phó tổng GĐ: “Tăng giá điện, đồng nghĩa chi phí đầu vào cho sản xuất tại Bibica tăng 10%. Vấn đề đặt ra ở đây là làm gì để bù đắp 10% tăng chi phí này, để không phải tăng giá thành bán ra? Bibica buộc phải cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động, sản xuất phải đạt công suất cao nhất tại mỗi dây chuyền... Tất cả những thực hiện này, may ra mới bù được khoản tăng chi phí 10% đầu vào”.

 

Theo ông Nguyễn Minh Hòa – Trưởng bộ môn Đô thị Trường ĐH KHXHNV TPHCM: Khi giá điện, giá xăng dầu tăng, làm chi phí đầu vào bị đội lên, các DN phải cắt giảm những chi phí không tạo ra giá trị gia tăng, chiếm từ 2-10% trong tổng chi phí sản xuất. Hoặc có DN bù đắp khoảng tăng bị đội lên bằng cách tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, việc tăng giá bán sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm...

 

Nhà nhà tiết kiệm điện

 

Với hàng triệu hộ gia đình, khác với các DN, giải pháp đối phó việc tăng giá điện, chỉ đơn giản là nhà nhà tiết kiệm điện. Ông Nguyễn Văn Lý – Phó tổng GĐ TCty Điện lực TPHCM cho biết: “Tcty đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 4.000 cơ quan hành chính sự nghiệp và hơn 600 DN sử dụng tiết kiệm điện. Theo ông Huỳnh Kim Tước – GĐ Trung tâm Tiết kiệm điện – năng lượng TPHCM: “Tiền điện từ các hộ dân sử dụng điện trên địa bàn TP mỗi năm khoảng 5.200 tỉ đồng. Chỉ cần mỗi hộ tiết kiệm 10% con số trên cũng ra một con số rất lớn. Trung tâm đã tuyên truyền tiết kiệm điện đến hơn 100.000 hộ dân...".

 

TCty Điện lực TPHCM đã phối hợp với Cty chiếu sáng đèn công cộng thay các bóng đèn chiếu sáng dân lập có công suất lớn bằng đèn compact; cắt giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng quảng cáo trên đường phố v.v... Số hộ dân ý thức được việc sử dụng điện năng từ năng lượng mặt trời, qua dùng hệ thống tấm Solar Panel và Solar Enegy ngày một tăng. Thông qua sử dụng các công cụ này, biến năng lượng mặt trời thành điện năng hay nhiệt năng dùng trong sinh hoạt, đã góp phần đáng kể cho tiết kiệm điện.

 

Phải sửa Luật Điện lực

 

Ông Nguyễn Mạnh Hiến - GĐ Trung tâm Tư vấn năng lượng (thuộc Hội Điện lực), nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng - cho biết, trong Luật Điện lực, hiện quy định về hệ số công suất trên đầu sản phẩm đã bị lạc hậu so với hiện nay. Quy định về hệ số công suất (hay còn gọi là hệ số cos fi) là 0,85, thì trên thế giới hệ số công suất trung bình đã ở mức 0,9-0,95. Vì vậy, nếu vẫn áp dụng quy định cũ, thì các DN không tiết kiệm được là bao lượng điện sử dụng. Nhưng muốn sửa quy định này, bắt buộc phải sửa luật. Hay như chỉ tính riêng trong ngành Điện, tỉ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) trong hệ thống đến nay chỉ cỡ 9-10% đã là bước tiến lớn (so với trước đây có thời kỳ TTĐN tới 25%), nhưng nếu so sánh với các nước khu vực như Thái Lan, tỉ lệ TTĐN của họ chỉ khoảng 8%, hay Hàn Quốc TTĐN khoảng 5%.

 

Vấn đề là phải tăng được năng suất lao động mới hy vọng giảm tổn thất. Bất hợp lý lớn nhất hiện nay là tăng trưởng điện năng phải đáp ứng gấp hai lần tăng trưởng GDP. Nhưng ở các nước khác, tỉ lệ này chỉ khoảng 1-1,2 GDP, chứng tỏ công nghệ của ta đa phần lạc hậu và việc sử dụng điện còn rất lãng phí. Trong khi đó, chế tài để các ngành sử dụng tốn năng lượng, không khuyến khích phát triển vẫn chưa cụ thể. Hằng năm, vẫn có quá nhiều dự án thép, xi măng đưa công nghệ lạc hậu vào VN, chủ yếu tận dụng giá điện rẻ, nhưng chưa dự án nào bị xử phạt hoặc bị đình chỉ hoạt động.


  • 08/09/2011 02:42
  • Theo VinaCorp
  • 1766