Tiết kiệm năng lượng: Chuyện không chỉ của riêng doanh nghiệp

Công tác tiết kiệm năng lượng nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ giúp Nhà nước và doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhận thức và sự cố gắng của riêng DN là không đủ.

Tiết kiệm được gần 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia

Theo đánh giá của Vụ Khoa học Công nghệ & Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc và cao gần 6 lần so với Nhật Bản. Cường độ sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam ở mức cao so với các nước phát triển và cả các nước láng giềng đang phát triển. Điều này cho thấy một khoảng cách về hiện trạng công nghệ về tiết kiệm năng lượng đang áp dụng cho sản xuất của Việt Nam.

Triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ người dân đến DN đều đã có ý thức và có những giải pháp để giảm thiểu năng lượng sử dụng. Theo ước tính của Viện Năng lượng, trong cả giai đoạn 2011 - 2015, mức năng lượng tiết kiệm được gần 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Doanh nghiệp ngành công nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ để đầu tư thiết bị, máy móc tiết kiệm năng lượng.

Báo cáo tổng kết 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (giai đoạn 2011-2015) cho thấy, hiện đã có 77 nhà máy xây dựng mô hình quản lý năng lượng và hoàn thành dự án cải thiện vận hành, trong đó có 15 DN đã thực hiện hệ thống quản lý năng lượng và được nhận chứng chỉ về HTQLNL-ISO 50001.

Tiêu biểu như Công ty CP Đường Man, đơn vị này đã dành vốn đầu tư 300 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, dây chuyền chế biến malt (nguyên liệu chính để sản xuất bia) hoàn toàn tự động. Bên cạnh đó, Công ty đã xây dựng được các dự án tiết kiệm năng lượng như: Giảm oxy dư trong hệ thống khí thải của nồi hơi, nâng cấp hệ thống khí nén, lắp đặt các máy biến tần cho quạt và động cơ… Chính vì thế, Ban quản lý năng lượng Công ty tin tưởng, mức cải thiện hiệu suất năng lượng sẽ đạt khoảng 7%.

Đối với Công ty Cổ phần nhựa Rạng Đông, không chỉ tích cực tham gia sản xuất các thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện tiết kiệm năng lượng mà ngay bản thân DN cũng luôn đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng lên hàng đầu. Giải pháp được đưa ra là quy hoạch lại hệ thống chiếu sáng, lắp đặt máy biến tần ở tất cả các hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, thay lò hơi bằng lò dầu… Nhờ vậy, Rạng Đông đã tiết kiệm được gần 600 ngàn kWh, tương đương với gần 1,4 tỷ đồng mỗi năm, giảm phát thải 470 tấn CO2 ra môi trường.

Còn hạn chế

Trên thực tế, việc triển khai tiết kiệm năng lượng đến DN vẫn còn hạn chế, thể hiện ở số lượng DN đã thực hiện còn quá ít. Một số DN trong lĩnh vực công nghiệp cho biết, họ có nghe nói về những chương trình khuyến khích này, nhưng hoặc là DN sử dụng “ít” năng lượng nên không quan tâm, hoặc là DN có quan tâm nhưng không đủ điều kiện và không nhận được sự hỗ trợ gì từ địa phương hay Chương trình.

Nói thêm về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí đúc Cửu Long, là một DN làm về cơ khí đúc nên chi phí sử dụng năng lượng vào khoảng 70-80 triệu đồng/tháng, thậm chí có những tháng cao điểm lên tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty không thể đủ vốn để chuyển đổi máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại hay đầu tư thêm thiết bị giúp giảm tải lượng điện tiêu thụ. Việc vay vốn ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn và chính quyền địa phương cũng ít quan tâm, mặc dù DN đã kiến nghị nhiều lần.

Những khó khăn này, chính ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Tiết kiệm năng lượng đã phải thừa nhận là do nguồn kinh phí cho Chương trình hàng năm còn thấp. Tổng kinh phí từ ngân sách cấp cho Chương trình tính đến hết năm 2015 chỉ có 349 tỷ đồng trong khi đối tượng cần và có nhu cầu hỗ trợ rất rộng và đa dạng. Đặc biệt, không chỉ nhận thức của cộng đồng và DN còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp thu hoặc thực hiện một cách “đối phó” với thông tin về công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, mà DN còn khó khăn trong việc tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

Chính vì thế, Chương trình mới chỉ hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho gần 700 DN, trong khi con số DN trên cả nước đã lên tới hàng trăm nghìn. Thậm chí, trao đổi với Báo Hải quan, ông Trịnh Quốc Vũ cho hay, đối với DN trong ngành công nghiệp nặng – ngành sử dụng nhiều năng lượng nhất, Chương trình và Nhà nước vẫn chưa có chính sách, chế độ ưu đãi ưu tiên hơn so với các lĩnh vực khác.

Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Khanh đề nghị, chính quyền địa phương cần có cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn. Hơn nữa, lãi suất cho vay để DN đầu tư vào khoa học công nghệ nên có sự ưu đãi hơn so với lãi suất cho vay kinh doanh thông thường. Hiện lãi suất cho vay khá cao, lên tới 9 - 10%/năm, Nhà nước nên giảm lãi suất cho việc đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất xuống khoảng 6% tạo điều kiện DN thay đổi công nghệ, tiết kiệm năng lượng.

Có thể thấy, với số lượng DN lớn như hiện nay, công tác tiết kiệm năng lượng được triển khai đồng bộ sẽ giúp Nhà nước và DN tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhận thức và sự cố gắng của riêng DN là không đủ, DN rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách, đặc biệt trong việc đầu tư thay đổi công nghệ.


  • 09/12/2015 10:08
  • Nguồn bài, ảnh: baohaiquan.vn
  • 2450


Gửi nhận xét