Ông Markus Bissel - Trưởng bộ phận Hiệu quả năng lượng, dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng cho biết, mục đích của mạng lưới là kết nối các công ty để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thông qua các hoạt động chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Toàn bộ quy trình sẽ được lên kế hoạch và cấu trúc rõ ràng, với sự điều phối của các chuyên gia Đức về hiệu quả năng lượng. Các công ty sẽ được hưởng lợi từ kiểm toán năng lượng, sự tư vấn của các chuyên gia tư vấn Việt Nam, cũng như kết nối với các bên công nghệ và dịch vụ đến từ Đức.
Mạng lưới được đánh giá là cách tiếp cận mềm mại hơn trong việc đưa luật tiết kiệm năng lượng vào thực tiễn, ông Nguyễn Hải Dũng - đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho rằng, năm 2010 chúng ta đã có luật sửa đổi về tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm năng lượng. Trong khuôn khổ hợp tác với GIZ, Bộ Công Thương đưa ra cách tiếp cận mới về triển khai tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam. Đó là tăng cường chia sẻ cách thực hành tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất của DN thông qua xây dựng một đầu mối. Các thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ có kinh nghiệm riêng trong vận hành cùng hạ tầng năng lượng và tăng cường hợp tác.
Ông Hoàng Đăng Phái - Cán bộ quản lý năng lượng Xí nghiệp Casumina Bình Dương (Tổng công ty Cao su miền Nam) chia sẻ, từ khi có Nghị định của Chính phủ về sử dụng năng lượng hiệu quả, xí nghiệp đã thực hiện kiểm toán năng lượng. Kết quả, suất tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm đã giảm xuống gần 40%. Trước kia, suất tiêu hao là 0,24 kWh trên một kg đơn vị sản phẩm, hiện nay chỉ còn 0,18 kWh.
"Theo mô hình này, mỗi mạng lưới chỉ có 10 - 15 doanh nghiệp, để các công ty tham gia có nhiều cơ hội thảo luận và chia sẻ. Các mạng lưới này sẽ giúp các công ty giảm thiểu chi phí năng lượng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Đồng thời giúp sử dụng năng lượng và các số liệu liên quan được minh bạch hơn, cũng như thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong tất cả các ngành" - ông Markus Bissel nhấn mạnh.