Tiết kiệm năng lượng trong nuôi trồng thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, năng lượng để phục vụ khâu bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường và các hoạt động khác cần 50 - 200 triệu đồng tiền điện/ha/vụ, chiếm khoảng 10% chi phí đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng, áp dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững và bảo vệ môi trường là xu thế hiện nay. Giải pháp này góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường. 

Tiêu tốn nhiều năng lượng

Theo số liệu thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trong giai đoạn 2015-2017, điện năng cung cấp cho nuôi trồng thủy sản tăng rất cao. Công suất phụ tải tăng từ 7.780 MW (năm 2017) lên 9.529 MW (năm 2017) với tốc độ tăng trưởng bình quân điện thương phẩm 10,8%. Trong khi đó, hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong việc cung cấp điện cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, việc quy hoạch nuôi tôm, cá chưa hoàn thiện, chưa đi vào chiều sâu. Đồng thời chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành như hạ tầng cung cấp điện, quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả và an toàn điện, quản lý môi trường. Hiện tại các hộ nuôi trồng thủy sản đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp khí ôxy cho vật nuôi, còn rất nhiều hộ sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có mức tiêu thụ điện năng cao. Việc này dẫn đến quá tải lưới điện khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện.

Đồng thời, do đặc thù lưới điện khu vực nông thôn trước đây là lưới điện 1 pha, tiết diện dây dẫn nhỏ, chỉ có khả năng cấp điện cho nhu cầu ánh sáng sinh hoạt, chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện 3 pha để sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản. Việc sử dụng kết hợp nuôi tôm với công suất lớn gây mất cân bằng phụ tải làm gia tăng tổn thất điện năng, ảnh hưởng đến điều kiện vận hành lưới điện.

Ông Như Văn Cẩn, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, nhu cầu sử dụng điện trong nuôi trồng thủy sản rất lớn, đặc biệt là nuôi tôm. Năng lượng để phục vụ bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường và các hoạt động khác cần 50 - 200 triệu đồng tiền điện/ha/vụ. Không chỉ vậy, điện còn đóng vai trò rất quan trọng vì nếu thiếu điện để quạt nước, sục khí có thể làm tôm chết hàng loạt do không được cung cấp đủ lượng ôxy cần thiết, làm mất cả vụ tôm của nông dân.

Trong khi đó, giá thành sản xuất năng lượng điện tái tạo không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống và chi phí đầu tư luôn giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất cho các đơn vị nuôi trồng thủy sản vì chi phí điện luôn là một trong những phần chi phí sản xuất lớn, chiếm khoảng 10%. 

Nuôi tôm áp dụng giải pháp tiết kiệm điện tại huyện Cần Giờ, TPHCM.

Sử dụng năng lượng tái tạo 

Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVNSPC, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cấp điện cho các khu vực nuôi tôm ở miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng với quy mô phù hợp, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện sản xuất, giảm chi phí sản xuất, góp phần thúc đẩy và phát triển ngành nuôi tôm của khu vực. EVNSPC hiện đang khảo sát, nghiên cứu phương án tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ động cơ của dàn quạt trong nuôi tôm.

Để đảm bảo cấp điện nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam, EVNSPC đã cân đối và thu xếp nguồn vốn, ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn nhằm chống quá tải, kết hợp cung cấp điện tại một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm.

Ngoài ra, EVNSPC cũng đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ các hộ nuôi tôm sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn trong sản xuất. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn và đang tiếp tục gia tăng, nên dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng và có nhiều giải pháp, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong bối cảnh đó, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió phù hợp sẽ là những giải pháp khả thi, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện sản xuất, thúc đẩy sự phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. 

Trong năm 2016, EVNSPC đã triển khai thí điểm tại 161 hộ dân ở tỉnh Sóc Trăng giải pháp tiết kiệm điện được lựa chọn là thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn; đồng thời vận động hộ nuôi tôm chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo ôxy nuôi tôm để tiết kiệm điện. Và giải pháp trên đã giúp điện năng tiết kiệm được 15,2% so với khi chưa áp dụng giải pháp.

Với chi phí (vật tư, nhân công lắp đặt) 658,42 triệu đồng, nhưng lợi ích về tiết kiệm chi phí tiền điện bình quân của 161 hộ hơn 951 triệu đồng/năm. Mô hình thứ hai là đồng trục hóa motor với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay, thay thế gối đỡ chữ U giúp điện năng tiết kiệm được 38,7% so với khi chưa áp dụng giải pháp, tương ứng với chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm (của 161 hộ) gần 2,5 tỷ đồng. 

Sử dụng năng lượng tái tạo sẽ là mô hình thiết thực, ý nghĩa trong việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng xanh một cách hiệu quả, mang lại lợi ích rõ rệt cho môi trường. Với nguồn tài nguyên vô tận, điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.


  • 06/06/2018 02:49
  • Nguồn: sggp.org.vn
  • 1448