Tiết kiệm nước để tiết kiệm năng lượng

Rất nhiều thông điệp về tiết kiệm nước đã được phổ biến trên toàn cầu với mục đích kêu gọi loài người cùng nhau ứng xử có trách nhiệm với nguồn nước, đặc biệt là nước sạch. Sâu xa hơn của việc tiết kiệm nước chính là: Tiết kiệm nước thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng.

Nguồn nước đang thiếu hụt trên toàn cầu

Khảo cứu tài nguyên nước trong tương quan so sánh với sự gia tăng dân số thế giới đã bộc lộ nguy cơ: toàn cầu đối mặt với sự thiếu hụt về nguồn nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Tiết kiệm nước châu Á (ASWC) Kyosuke Sakaue, trên thế giới, hiện nay đang có hơn750 triệu dân tại 43 quốc gia không được cấp nước ổn định và 2,5 tỷ người không được sử dụng những phương tiện vệ sinh cơ bản (trong đó có nước). Nguồn nước chưa “chảy” cân bằng tại các vùng, lãnh thổ đã khiến cư dân nhiều nơi phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng.

 Khan hiếm nước trầm trọng ở châu Phi (Ảnh: minh họa)

Nước và năng lượng được ví như “cặp bài trùng” hiện diện trên trái đất và trong nhu cầu tiêu thụ của con người. Tại Việt Nam, theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, mỗi năm, lượng nước dùng để tạo ra năng lượng là 580 tỷ m3. Tới năm 2030, tiêu thụ năng lượng sẽ tăng tới 35%, đồng nghĩa với việc tiêu thụ nước sẽ tăng tới 85%. Gia tăng áp lực lên tài nguyên nước đang hiện hữu, nếu chúng ta không có những hành động kịp thời để tiết kiệm nước.

Hiện có khoảng 17,2 triệu người Việt Nam đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Lượng nước bình quân đầu người mỗi năm của nước ta chỉ đạt 3.840 m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/năm/người của Hội Tài nguyên Nước Quốc tế. “Lượng nước sẽ giảm từ mức 3.840 m3/người/năm hiện nay xuống 2.830 m3/người/năm vào năm 2015", ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường) đã nhận định.

Cần một chiến dịch tiết kiệm nước

Tiết kiệm nước cần được bắt đầu từ cách sử dụng nước hiệu quả của dân cư. Nhưng, để một quốc gia tiết kiệm nước, trước hết cần tính toán tổng nhu cầu nước của quốc gia để có kế hoạch điều tiết nguồn nước hợp lí.

Hệ thống quản lý nhu cầu nước phải tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các chiến dịch tiết kiệm nước, các khâu giáo dục nhận thức về tài nguyên nước, hoặc áp dụng các định mức thuế sử dụng nước sạch… Ngoài ra, công nghệ và kỹ thuật xử lý và cấp nước cũng phải được đầu tư để tránh hiện tượng thất thoát nước.

Trong tương lai, Việt Nam cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, đặc biệt tại các đô thị. (Ảnh: minh họa)

Nước sinh hoạt được tiêu thụ hằng ngày theo nhu cầu sinh hoạt của dân cư. Do đó, việc tiết kiệm nước trong sử dụng bồn cầu, nhà tắm, nhà bếp… có tác động mạnh đến việc giảm hao tổn nguồn nước, giảm phát thải CO2.

Theo Phó tổng thư ký ASWC Kanako Toyosada, việc tiết kiệm nước nóng cũng được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể vào việc tiết kiệm nước và năng lượng vì nó chiếm tới 30% trong tổng tiêu thụ năng lượng hộ gia đình. Tại Việt Nam, mức sử dụng cao điểm của máy nước nóng ngang với mức sử dụng cao điểm máy điều hòa trong mùa hè. Do đó, đi kèm với lượng nước nóng được sử dụng là mức tiêu thụ điện năng phát sinh từ việc dùng nước. Nói cách khác, tiết kiệm nước nóng cũng làm giảm hóa đơn tiền điện.

Bà Toyosada cho rằng, cách đơn giản nhất để giảm năng lượng tiêu thụ là lắp đặt các sản phẩm tiết kiệm nước, đơn cử như nâng cấp bồn cầu và vòi sen sang loại tiết kiệm nước. Việc sử dụng vòi sen tiết kiệm nước một cách rộng rãi hơn, thì có thể giảm 21% lượng điện năng tiêu thụ.

Từ những việc làm cụ thể để tiết kiệm nước, cộng đồng cần khởi động một chiến dịch tiết kiệm nước trên phạm vi toàn quốc. Trong năm 2014, ASWC sẽ tổ chức bộ máy để triển khai dự án thí điểm về tiết kiệm nước ở Việt Nam. Đến năm 2015, ASWC sẽ tổ chức triển khai thông qua việc xây dựng hệ thống cấp chứng nhận và triển khai chiến dịch tiết kiệm nước nhằm đưa Việt Nam trở thành mô hình tiên tiến trong thiết lập xã hội tiết kiệm nước.

                                       Cần phải làm gì để tiết kiệm nước?

- Giảm nhu cầu cá nhân khi có thể (về nước và năng lượng)

- Cần biết lượng tiêu thụ nước và năng lượng của bạn, nếu không biết thì sẽ không kiểm soát được.

- Sử dụng hiệu quả năng lượng

- Mua và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng

- Tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm nước, tiết kiệm nước là tiết kiệm năng lượng. Việc tiết kiệm điện, nước là việc mà ai cũng làm được.

 

 


  • 24/03/2014 09:29
  • Kiều Anh
  • 4366