Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Với tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quán triệt và chỉ đạo toàn thể CB-CNV, người lao động và các đơn vị trực thuộc thực hiện thường xuyên và liên tục trong nhiều năm nay.
Theo báo cáo của Phó tổng giám đốc EVN - Nguyễn Tấn Lộc tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh thành phố phía Bắc của các cơ quan, Đảng ủy trực thuộc trung ương, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tháng 4/2014. Trong giai đoạn 2006 - 2013, tổng lượng điện tiết kiệm điện của toàn quốc đạt được 10,7 tỷ kWh, số tiền tiết kiệm được hàng năm là hàng nghìn tỷ đồng.
Các công ty Điện lực đã chủ động, sáng tạo và đề ra nhiều chương trình truyên truyền tiết kiệm điện đa dạng và phong phú, phù hợp với đặc điểm khu vực và địa bàn quản lý của mỗi đơn vị, như: tổ dân phố, Ấp/khu dân cư tiết kiệm điện, tuần lễ tuyên truyền tiết kiệm điện; tuyên truyền trong trường học, học đường, tuyến phố kiểu mẫu tiết kiệm điện...
Tại chiến dịch Giờ trái đất, với vai trò là nhà tài trợ chính của chiến dịch trong 6 năm qua (từ năm 2009) EVN luôn thể hiện đúng vai trò của mình, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện tốt chương trình.
Chiến dịch Giờ trái đất hằng năm đã thu hút cộng đồng và toàn thể xã hội tham gia tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường sống - Ảnh: Văn Lương.
|
Bên cạnh đó EVN cũng đã thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân thay thế bóng đèn sợi đốt; Chương trình quảng bá bình nước nóng năng lượng mặt trời. Các chương trình này đã mang lại kết quả đáng kể, làm thay đổi nhận thức của người dân và tạo nên trào lưu trong xã hội về sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện cũng như bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Phó tổng giám đốc EVN - Nguyễn Tấn Lộc cho biết, công tác tiết kiệm điện năng hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước sử dụng điện lãng phí nhất thế giới. Để tăng trưởng kinh tế (tăng GDP) lên 1% thì Việt Nam cần lượng điện năng tiêu thụ tăng 2%, thậm chí năm 2012 điện tăng 2,39 lần thì GDP mới chỉ tăng được một lần. Trong khi đó ở các nước phát triển, điện năng tiêu thụ chỉ tăng trên dưới 1% đây chính là bất cập lớn trong việc tiêu thụ điện tại Việt Nam.
Hệ số đàn hổi điện so với tăng trưởng GDP của Việt Nam:
- Giai đoạn từ 2001 đến 2005: GDP tăng 7,5 % thì nhu cầu điện tăng tới 15 %;
- Giai đoạn 2006 – 2010: GDP tăng 7 % thì nhu cầu điện tăng 14 %;
|
Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, những bất cập này là do trong một thời gian dài Việt Nam duy trì giá điện quá thấp, dẫn tới hệ quả người dân sử dụng điện không tiết kiệm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng các công nghệ lạc hậu để sản xuất vì tận dụng giá điện rẻ. Thực tế cho thấy, tiềm năng tiết kiệm trong những lĩnh vực này có thể đạt tới 20%, thậm chí 30% - 35% như: ngành công nghiệp sản xuất xi-măng, sắt thép, đông lạnh, trong lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải và xây dựng…
Ngoài các ngành công nghiệp, thì khu vực sinh hoạt và dịch vụ cũng có tiềm năng tiết kiệm không nhỏ do tình hình lãng phí năng lượng đang rất phổ biến. Tỷ lệ sử dụng điện trong lĩnh vực thương mại và hộ gia đình chiếm khoảng 40% nhu cầu điện của Việt Nam.
Như vậy, việc tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong những lĩnh vực được coi là có tiềm năng nhất cần khai thác trong thời gian tới chính là tại các nhà máy công nghiệp, các tòa nhà, chiếu sáng, dịch vụ và sinh hoạt.