100% đơn vị ban hành Kế hoạch tiết kiệm điện
Do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn tới các tỉnh, thành phố phía Nam trong năm 2021, nên các công ty điện lực thành viên vẫn chưa triển khai được các Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện riêng trên địa bàn, mà phần lớn thực hiện theo định hướng của tổng công ty, đó là ban hành Kế hoạch tiết kiệm điện tại đơn vị, có xây dựng mục tiêu và giải pháp thực hiện trong suốt cả năm. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới triển khai các chương trình truyền thông tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Đoàn Thành Ân – Phó Ban Kinh doanh EVNSPC cho biết, ngoài việc ký hợp đồng với các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, thông tin tuyên truyền định kỳ, cập nhật thông tin mới và nêu các gương điển hình trong công tác tiết kiệm điện, thì các công ty điện lực thành viên đều cập nhật thông tin lên trang thông tin điện tử của riêng mình.
Đồng thời, phối hợp với các hội/đoàn thể xây dựng Quy chế phối hợp tuyên truyền trên địa bàn, thường xuyên liên lạc và trao đổi thông tin, tài liệu như những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của ngành Điện, địa phương có liên quan đến hoạt động tuyên truyền vận động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; giám sát hoạt động sử dụng điện và cung cấp điện; bảo vệ an toàn lưới điện.
Trong năm 2021, cuộc thi online “Tiết kiệm điện trong trường học” do EVNSPC tổ chức là một trong những hoạt động thu được nhiều kết quả cao, thu hút được các bạn học sinh tham gia. Qua cuộc thi này đã giúp các em học sinh nhận biết thêm rất nhiều các kỹ năng và thông tin bổ ích, trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và đây cũng là các thành tố cốt lõi trong việc tuyên truyền an toàn tiết kiệm điện trong nhà trường, gia đình và xã hội.
Ngoài ra, trong năm 2021, Công ty Điện lực Cà Mau còn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng tham gia nhiệm vụ “Hỗ trợ triển khai ứng dụng mô hình cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Đây là Đề án thí điểm tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau do Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai, đã thu được các kết quả nhất định.
Nhân viên Điện lực Đầm Dơi - PC Cà Mau hướng dẫn cụ thể từng vị trí có thể gây mất an toàn trong khi sử dụng điện tại đầm nuôi tôm
|
Tiếp tục triển khai Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR)
Chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai trong nhiều năm. Chương trình DR khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm. Nhờ đó, giảm công suất cực đại của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Đồng thời, cũng sẽ tạo điều kiện để cộng đồng nhận thức rõ hơn về tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên đất nước.
Tại EVNSPC, hàng năm tổng công ty đều thực hiện báo cáo EVN về việc thống kê danh sách khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 3 triệu kWh trở lên mỗi năm theo quy định.
Trong năm 2019, tổng công ty đã thực hiện được 10 sự kiện liên quan đến lĩnh vực này để đẩy mạnh tuyên truyền đến khách hàng, đặc biệt là hỗ trợ các khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm (gồm 3 sự kiện DR có kế hoạch và 7 sự kiện DR khẩn cấp), với tổng công suất tiết giảm là 1.640MW. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, năm 2020-2021, EVNSPC không được giao tổ chức các sự kiện này.
Năm 2022, tổng công ty đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các ban ngành địa phương để tiếp tục duy trì tuyên truyền vận động khách hàng sản xuất công nghiệp, khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về Chương trình DR tự nguyện phi thương mại trên tất cả các quận, huyện của 21 tỉnh phía Nam, trực thuộc tổng công ty quản lý.
Theo ông Ân, các đơn vị thành viên trong tổng công ty đã ký được thỏa thuận DR với 1.789/1.859 khách hàng có lượng sử dụng điện ≥ 3 triệu kWh/năm, đạt 96,23%. Bên cạnh đó, cũng đã ký thỏa thuận với 3.072/3.240 khách hàng có lượng sử dụng điện mở rộng từ 1 triệu đến <3 triệu kWh/năm, đạt 94,8%.
Qua thực tế triển khai, mặc dù tổng công ty nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, các phương tiện truyền thông… và nhận thức của người dân, doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi, nhưng do hiện nay thực hiện Chương trình DR theo phương thức phi thương mại và tự nguyện (không dùng cơ chế tài chính), nên chưa nhận được sự đồng thuận cao của khách hàng. Đây là một khó khăn mà tất cả các công ty điện lực trên cả nước đều phải đối mặt khi triển khai các chương trình DR đến khách hàng, mà muốn giải quyết được, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế tài chính cho các Chương trình DR.
Link gốc