Triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu khu vực miền Bắc

Hội nghị khu vực miền Bắc triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội.

Hội nghị nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các thông tin cập nhật về biến đổi khí hậu cũng như tác động của biến đổi khí hậu đến các tỉnh miền Bắc và đồng bằng sông Hồng; việc triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu - Ảnh: Ng.Tuấn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT - Võ Tuấn Nhân cho biết, để thực hiện các cam kết quốc tế theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg, đồng thời, chủ động lồng ghép các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Bộ TN&MT có vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, các tổ chức quốc tế nghiên cứu tập hợp các mô hình và tiếp cận mới trong ứng phó với biến đổi khí hậu để chia sẻ, phổ biến, áp dụng rộng rãi các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, trong số 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, hiện duy nhất tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và ban hành kế hoạch cấp tỉnh triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris.

Hiện, Bộ TN&MT đang chủ trì cập nhật Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) ở các cấp, các ngành. Vai trò của các bộ, ngành địa phương là cung cấp thông tin về thích ứng và nỗ lực giảm nhẹ, tăng trưởng xanh đang và sẽ được triển khai tại địa phương. Đồng thời, nêu ý kiến đống góp để INDC là khả thi và phù hợp với các kế hoạch tại địa phương.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường và một số Sở của các tỉnh miền Bắc; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ (NGO), các viện nghiên cứu đại diện các đối tác phát triển đã tập trung trao đổi, thảo luận các thông tin cập nhật về biến đổi khí hậu, những tác động đến các tỉnh miền Bắc và đồng bằng sông Hồng, cũng như công tác triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris sắp tới tại các địa phương.

Đại diện các đối tác quốc tế đến từ UNDP và GIZ đều khẳng định sẽ hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên liên quan. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác với khu vực tư nhân nhằm triển khai những công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Trước đó, Hội nghị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại khu vực miền Trung (ngày 28/7) và miền Nam (ngày 18/8) cũng đã được tổ chức.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được các quốc gia thông qua tại COP 21 là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của tất cả các Bên. Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi Bên tham gia Công ước Khí hậu. Cho đến nay, Thỏa thuận đã được 195 nước ký, 160 nước phê chuẩn trong tổng số 197 Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4 tháng 11 năm 2016.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, được sự hỗ trợ giúp đỡ của các đối tác phát triển, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của mình và đệ trình lên Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 9 năm 2015.

Theo INDC của Việt Nam, “Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”.

Sau khi Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris ngày 31/10/2016, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu do Thỏa thuận Paris quy định. Để triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

 


  • 01/09/2017 10:47
  • Ngọc Tuấn
  • 1694