Vì sao dự án CPEE chỉ đạt 70% mục tiêu tiết kiệm năng lượng?

Sau 5 năm triển khai và được đánh giá khá thành công, nhưng Dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) và sản xuất sạch hơn (CPEE) chỉ đạt 70% mục tiêu về TKNL và 75% tiết giảm phát thải khí nhà kính. Vì sao vậy ?

Được thực hiện từ năm 2012, Dự án CPEE đặt mục tiêu tiết kiệm được 360,4 nghìn TOE (tấn dầu quy đổi) và giảm phát thải 1,25 triệu tấn CO2 vào năm 2017. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, Dự án không thể “cán đích” mục tiêu này. 

Lý giải nguyên nhân, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trên thế giới, các thể chế, chính sách kỹ thuật và tài chính hỗ trợ rất đắc lực cho các doanh nghiệp TKNL. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguồn hỗ trợ này chưa nhiều và doanh nghiệp rất khó tiếp cận. 

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, kéo theo mức độ tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị sản phẩm vẫn rất lớn. Về mặt thể chế, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp TKNL, nhưng chưa có chế tài ràng buộc, xử phạt đối với các doanh nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, kĩ thuật còn hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi muốn thay đổi công nghệ cũng như tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện TKNL.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), để thay đổi công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, doanh nghiệp cần nguồn vốn tương đối lớn. Tuy nhiên, kinh phí của Dự án lại hạn hẹp, nên quá trình triển khai các hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn... Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn từ ngân sách, các tổ chức quốc tế để các hoạt động TKNL đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho rằng, thời gian tới, cần có những chế tài mạnh, buộc các doanh nghiệp phải tham gia tích cực hơn vào hoạt động TKNL. Đặc biệt, cần phải có sự cam kết và vào cuộc một cách đồng bộ của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp, hoạt động TKNL mới đạt hiệu quả cao… 

Mặc dù Dự án không đạt mục tiêu, nhưng theo các chuyên gia, nhìn một cách tổng thể, đây vẫn là một dự án thành công vì đã hoàn thành được rất nhiều mục tiêu khác và đáp ứng tốt các yêu cầu của Bộ Công Thương về triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo đó, 3 Thông tư về kế hoạch hành động và định mức tiêu thụ năng lượng/đơn vị sản phẩm được ban hành cho 3 ngành: Hóa chất, Đồ uống và Nhựa. Riêng Thông tư về kế hoạch hành động và định mức tiêu hao năng lượng cho ngành Giấy và Bột giấy, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017. 

Dự án CPEE:

- Do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. 
- Triển khai từ năm 2012 - 30/06/2017.
- Tổng kinh phí thực hiện: Hơn 4 triệu USD.
- Gồm 3 hợp phần: 
+ Xây dựng kế hoạch hành động năng lượng hiệu quả cho các ngành công nghiệp trọng điểm;
+ Phát triển các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng; 
+ Xây dựng năng lực cho quản lý chương trình, giám sát và đánh giá kết quả. 

 


  • 09/08/2017 02:35
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 1771