Công nhân lắp đặt các bộ phận dọc theo tuyến đường của dự án truyền tải điện một chiều siêu cao áp Bạch Hạc Than – Giang Tô ±800KV dài 2,087 km (Ảnh: cnsphoto)
|
Theo NEA, năng lượng tái tạo của Trung Quốc hiện chiếm 43,5% tổng công suất đặt, trong đó, công suất của các nhà máy thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lần lượt là 385 nghìn MW, 299 nghìn MW, 282 nghìn MW và 35,34 nghìn MW, đứng đầu thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn với Global Times vào ngày 21/11, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc, ông Lâm Bá Cường cho biết công suất phát điện được lắp đặt của điện gió và điện mặt trời ở Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Theo Tân Hoa Xã, trong 9 tháng năm 2021, các dự án điện gió với công suất hơn 14 nghìn MW đã được đưa vào hoạt động. Cùng với đó, công suất điện mặt trời của quốc gia này đạt 22 nghìn MW.
Ngày 19/11/2021, tổ máy công suất 1.000 MW thứ 6 của Thuỷ điện Bạch Hạc Than (nằm ở Tây Nam Trung Quốc) - nhà máy thuỷ điện lớn thứ 2 thế giới bắt đầu đưa vào phát điện. Đây cũng là tổ máy tuabin thuỷ lực thứ 100 do Tập đoàn Tam Hiệp xây dựng trên dòng chính của sông Dương Tử.
“Điều này nghĩa là tất cả 100 tổ máy phát điện có thể được đưa vào vận hành tối đa để bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng vào mùa đông. Và điều đó đồng nghĩa dòng chính của sông Dương Tử đã trở thành hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới”, ông Lôi Minh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Tam Hiệp nhận định.
Tính đến ngày 19/11, công suất đặt của Tập đoàn Tam Hiệp đạt 102 nghìn MW trong đó 96% là đến từ các nguồn năng lượng sạch.
Ông Lâm Bá Cường nói thêm: “Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trung tính lượng carbon trước năm 2060, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó hai lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất là điện gió và điện mặt trời”.
Cũng theo ông Lâm Bá Cường, tuy tổng lượng điện gió và điện mặt trời hiện nay chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng tiêu thụ ở Trung Quốc nhưng tỷ trọng này sẽ đạt 60-65% vào năm 2060. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng khả năng mang và truyền tải của lưới điện vẫn là hai thách thức lớn nhất đối với các dự án điện gió và mặt trời ở Trung Quốc, đặc biệt là sau khi lưới điện địa phương bị hư hại do thời tiết khắc nghiệt.