Trung Quốc: Phát triển điện mặt trời nổi

Ngoài một số công trình năng lượng mặt trời quy mô lớn, trong năm 2017, Trung Quốc còn đưa vào sử dụng một trung tâm năng lượng mặt trời khổng lồ hình con gấu trúc và các trung tâm điện mặt trời nổi trên mặt nước.

Ở Trung Quốc, những nhà máy điện mặt trời nổi đã thay đổi quy mô trong năm 2017.

Tháng 5/2017, Sungrow (công ty phụ trách xây dựng) đã kết nối một trung tâm điện mặt trời nổi có công suất trên 40 MWh vào lưới điện ở tỉnh An Huy giàu than đá. Nhà máy điện mặt trời này có diện tích gần 800.000 m2 (tương đương với diện tích 110 sân bóng) nằm trên một hồ nước vốn là một mỏ than đã khai thác hết. Hồ nước này không thể được sử dụng cho mục đích khác vì nước ở đây có độ khoáng hóa cao. Nước giúp làm mát các tấm pin mặt trời, từ đó tăng hiệu suất hoạt động lên 57% so với các tấm thu năng lượng mặt trời trên cạn.

Trung tâm điện mặt trời của Sungrow gồm gần 160.000 tấm pin mặt trời. Theo ước tính, sản lượng của nó có thể đạt 48,74 GWh mỗi năm, tương đương mức tiêu thụ điện hằng năm của 15.000 hộ gia đình ở Trung Quốc.

Cũng tại tỉnh An Huy, một dự án năng lượng mặt trời nổi khác sẽ sớm vượt xa công suất của Nhà máy điện Sungrow. Từ tháng 7/2017, Công ty Tam Hiệp bắt đầu xây dựng một cơ sở điện mặt trời nổi với công suất 150 MWh. Nhà máy điện mặt trời nổi này cũng nằm trên một hồ nước hình thành từ một mỏ than cũ. Một phần của nhà máy này đã được kết nối với lưới điện từ ngày 10/12/2017. Chi phí của dự án ước tính khoảng 1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 130 triệu euro). Dự kiến tháng 5/2018, toàn bộ nhà máy này sẽ được đưa vào hoạt động.

Điện mặt trời nổi có hai ưu điểm nổi bật: Tiết kiệm được diện tích đất; những tấm pin mặt trời đặt trên mặt nước được làm mát, từ đó cho hiệu suất hoạt động cao và hạn chế những thiệt hại về lâu dài do nhiệt độ.


  • 16/01/2018 03:12
  • Duy Hiếu
  • 1389