Trung Quốc xây dựng nhà máy điện mặt trời trong vũ trụ

Trung Quốc quyết tâm đưa năng lượng tái tạo lên một tầm cao mới khi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASTC) vừa khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời trong vũ trụ đầu tiên trên thế giới.

Mặc dù đã có kế hoạch từ năm 2017, nhưng dự án này đã phải tạm dừng do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Bắc Kinh cam kết đầu tư 2,5 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 8.515 tỉ đồng) đầu năm 2019, dự án đã được tái khởi động. 

Tập đoàn CASTC - Chủ đầu tư dự án cho biết, một hệ thống năng lượng mặt trời (NLMT) trong không gian quay quanh trái đất ở độ cao 36.000 km có thể khai thác năng lượng mặt trời một cách liên tục, không bị gián đoạn.

Hệ thống này có thể cung cấp năng lượng trong 99% thời gian mỗi ngày cho trái đất với cường độ cao gấp 6 lần so với nhà máy điện mặt trời thông thường. Nhà máy sẽ được đặt trong quỹ đạo địa tĩnh ngay phía trên một trạm tiếp nhận năng lượng trái đất.

NLMT thu được từ nhà máy trên vũ trụ sẽ được chuyển tiếp bằng tia laser, sóng điện từ đến trạm tiếp nhận trên mặt đất và chuyển hóa thành điện năng.

Để xây dựng nhà máy, các nhà khoa học Trung Quốc đã khởi công xây dựng trạm tiếp nhận ở thành phố Tây An (phía Tây Trung Quốc) phục vụ việc truyền tải năng lượng từ không gian về trái đất bằng tia laser. Các thiết bị, dụng cụ và nguyên vật liệu xây dựng nhà máy sẽ được tách ra thành từng gói và đưa dần vào không gian từ trạm tiếp nhận năng lượng này. 

Trung Quốc quyết tâm đưa nhà máy điện mặt trời lên vũ trụ 

Trung Quốc dự kiến xây dựng và phóng các nhà máy điện nhỏ công suất khoảng 50 MW vào không gian từ năm 2021 đến 2025, nâng cấp lên 500 MW vào năm 2030 và dự kiến đạt được tổng công suất 5 GW (lượng điện năng đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của một thành phố lớn) năm 2050. 

Ông Nobuyoshi Fujimoto - Phát ngôn viên Cơ quan nghiên cứu hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) - một trong những đơn vị tư vấn của dự án cho biết: “Với công suất 5 GW, mỗi tấm pin mặt trời phải rộng 1-2 km, trọng lượng nhà máy có thể lên tới 1.000 tấn. Đây là một thách thức không nhỏ về mặt kỹ thuật, cũng như việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho nhà máy sẽ rất khó khăn, tốn kém. Để thực hiện kế hoạch này, chúng tôi đã phát triển hệ thống robot có thể hoạt động, lắp ráp, làm thay công việc của con người”.

Nếu vượt qua được những khó khăn về mặt kỹ thuật và đảm bảo tiến độ xây dựng, đến năm 2050, nhà máy NLMT trong không gian sẽ hoàn thành. Phó Chủ tịch Học viện công nghệ vũ trụ Trung Quốc Li Ming cho biết, ông rất kỳ vọng Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng thành công nhà máy NLMT trong không gian. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ tận dụng được nguồn NLMT khổng lồ trên vũ trụ, thắp sáng cả một thành phố lớn trong tương lai. Đây cũng sẽ là bước tiến vĩ đại trong ngành khoa học vũ trụ, khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch. 


  • 13/06/2019 11:00
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 1840