Tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên ban công nhà dân tại một chung cư ở Bình Nhưỡng năm 2016. Ảnh: Reuters.
|
Nhiều năm sau khi xuất hiện lần đầu ở Triều Tiên, tấm pin năng lượng mặt trời có sẵn, giá rẻ, ngày càng được lắp đặt nhiều tại quốc gia này, thúc đẩy tiêu dùng và công nghiệp phát triển trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang cố gắng hạn chế tác động của lệnh trừng phạt quốc tế.
Thiếu điện luôn là nỗi lo lâu nay của Triều Tiên. Lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi sử dụng năng lượng tái tạo trong nỗ lực tự cung tự cấp, khi mà quốc tế ngày càng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên quốc gia này bởi chương trình hạt nhân và tên lửa.
Hiện ngày càng nhiều hộ gia đình, nhà máy và doanh nghiệp lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Có điện khiến thị trường đồ điện tử gia dụng cũng sôi động theo.
"Vài năm trước, những món đồ như máy lọc nước, máy trộn và nồi cơm điện chỉ có ở một số nhà hàng và gia đình giàu có, nhưng bây giờ chúng đang ngày càng phổ biến, đặc biệt ở thành thị", Kang Mi-jin, chuyên gia kinh tế Hàn Quốc cho hay.
"Một số hộ gia đình giống như hộ trung lưu ở Hàn Quốc, trong nhà treo tivi LED, sở hữu vài cái máy tính xách tay và xe điện đồ chơi cho trẻ con", ông nói.
Người Triều Tiên bắt đầu sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời vài năm trước, đa số dùng để sạc điện thoại di động, chiếu sáng trong gia đình bởi mạng lưới điện quốc gia không ổn định.
Trong lúc thị trường tràn ngập đồ điện tử, các phòng trà, phòng game, quán karaoke và bi-da cũng mở cửa lâu hơn sau khi chuyển từ máy chạy điện bằng dầu diesel sang pin năng lượng mặt trời.
Những tụ điểm giải trí như vậy đang ngày càng nhiều hơn, không chỉ ở thành thị mà còn ở vùng nông thôn, nơi mạng lưới điện quốc gia chập chờn hơn thành phố.
Tấm pin năng lượng mặt trời phổ biến sau khi chúng được sử dụng trong một nhà máy ở khu công nghiệp liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong khai trương năm 2004.
Trước đây, chính quyền cấm tư nhân sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời nhưng giờ đây, đảng cầm quyền lại khuyến khích. Hồi đầu tháng, báo nhà nước Rodong Sinmun đăng bài về một nhóm lao động trong một trang trại hợp tác. Họ được thưởng tấm pin năng lượng mặt trời và tivi LED vì sản xuất vượt mục tiêu.
Truyền hình nhà nước cũng phát sóng hàng loạt tin tức về tình hình phát triển tấm pin năng lượng mặt trời trong những năm qua, bao gồm phim tài liệu dài 17 phút hồi tháng 10/2018, giới thiệu các thiết bị sản xuất nội địa như bộ biến tần cao áp, thậm chí là bộ sạc di động cho xe đạp điện.
Kim Yun-soung, nghiên cứu viên tại Viện chiến lược Năng lượng Xanh tại Seoul, cho hay Triều Tiên thúc đẩy sản xuất nội địa thiết bị dùng năng lượng mặt trời do các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu sản phẩm kim loại.
"Điện là vấn đề khó giải quyết nhất nhưng chúng ta đã nắm bắt được công nghệ tiên tiến từng bị các quốc gia phát triển độc quyền", người thuyết minh trong phim tài liệu nói, nhắc tới máy biến tần.
Truyền thông nhà nước liệt kê ngân hàng trung ương, trường học, nhà máy, thậm chí là phà chở người, hoàn toàn sử dụng pin năng lượng mặt trời.
Đa số tấm pin có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá thành đã giảm 40% trong vài năm qua, trong bối cảnh toàn cầu và Triều Tiên gia tăng sản xuất. Năm 2015, một tấm pin nhỏ 20 watt có giá 44 USD thì nay, tấm 30 watt chỉ còn 15 USD, Kang cho hay.
Bình Nhưỡng không cung cấp số liệu tiêu thụ điện mặt trời, nhưng theo Kang, khoảng 55% hộ gia đình ở Triều Tiên sử dụng nó. Tỷ lệ này cao hơn ở Bình Nhưỡng và những thành phố khác, cũng như khu vực gần biên giới nơi bày bán rộng rãi hàng hóa Trung Quốc.
David von Hippel, một chuyên gia cấp cao của Viện Nautilus, tổ chức nghiên cứu chiến lược Mỹ, cho hay năm 2017, Triều Tiên đã nhập khẩu 29 megawatt tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, theo dữ liệu của Bắc Kinh.
Các chuyên gia đánh giá năng lượng mặt trời vẫn chưa chiếm tới 0,1% công suất phát điện của cả Triều Tiên, theo ước tính năm 2017 của cơ quan thống kê Hàn Quốc là 7.700 megawatt.
Bình Nhưỡng đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo lên 5.000 megawatt năm 2044, tập trung vào phong năng, theo truyền thông nhà nước. Tấm pin năng lượng mặt trời đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu điện ở Triều Tiên.
"Kim Jong-un cam kết cải cách kinh tế" von Hippel nói. "Vì thế, khi chính phủ không cung cấp đủ năng lượng cho người dân, họ khuyến khích người dân tiếp cận năng lượng theo cách khác".