PGS. TS Nguyễn Việt Dũng
|
Bạn LÊ HỒNG HẠNH hỏi:
Đa phần người dân đều nghĩ mùa hè lượng điện tiêu thụ tăng đột biến là do sử dụng điều hòa. Vậy chuyên gia có thể giải thích rõ hơn mức độ ngốn điện của thiết bị này được không?
PGS.TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Điều này hoàn toàn chính xác. Thông qua nhiều nghiên cứu mà chúng tôi chủ trì hoặc tham gia trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương chủ trì, đặc biệt dự án do Tổ chức Bơm nhiệt - trữ nhiệt Nhật Bản và Công ty đầu tư tài chính Mitsubishi UFJ & Morganstanley tài trợ, chúng tôi đã có điều kiện tiến hành đo kiểm (kiểm toán năng lượng) cho các dạng nhà dân khác nhau trong nhiều năm.
Kết quả cho thấy điện năng tiêu thụ 4 tháng mùa hè cao hơn trung bình khoảng 20-50% so với các tháng khác. Trong đó điện năng tiêu thụ của điều hòa chiếm 28-64%, tủ lạnh 6-22%, còn lại là tiêu thụ điện của các thiết bị khác như TV, chiếu sáng, đồ làm bếp…
Bạn HẠNH NGUYÊN hỏi:
Thưa chuyên gia, thực sự chỉ vì dùng điều hòa nhiều mà lượng điện tiêu thụ mùa hè lại tăng cao đỉnh điểm, hay còn đến từ nhiều nguyên nhân khác nữa?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Mùa hè thời tiết nóng nên các hộ gia đình phải dùng quạt và đặc biệt là điều hòa - thiết bị tiêu tốn điện rất lớn. Để thấy rõ hơn, tôi lấy ví dụ cụ thể theo số liệu đã trình bày ở trên: Có thể thấy điều hòa chiếm trung bình 40% tổng điện năng tiêu thụ của hộ gia đình, do vậy giả thiết khi không có điều hòa, điện năng tiêu thụ là 300 kWh (số điện) tương đương với số tiền phải trả là 577.250 đồng thì khi dùng điều hòa con số này là (300/60)*100=500kWh (số điện) tương đương với 1.108.850 VND theo QĐ 4495 /QĐ-BCT ngày 30/11/2017. Đây chính là nguyên nhân làm tiêu thụ điện năng tăng mạnh trong mùa hè.
Một lý do quan trọng nữa trong các nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, trong thời gian mùa hè, nhiều gia đình có các cháu nhỏ nghỉ hè ở nhà nên số giờ sử dụng các thiết bị điện gồm điều hòa và các thiết bị khác như TV, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt tăng lên. Dẫn tới điện năng tiêu thụ tăng lên đáng kể.
Mùa hè tiêu thụ điện cho tủ lạnh tăng đáng kể. Khi xây dựng lại tiêu chuẩn TCVN 7828:2015 về hiệu suất năng lượng của tủ lạnh gia dụng, chúng tôi đã thí nghiệm đo mức tiêu thụ điện của tủ lạnh trong 12 tháng thì nhận thấy tiêu thụ điện của tủ lạnh trong 4 tháng hè tăng thêm trung bình 23%, lý do nhiệt độ môi trường tăng và tần suất mở cửa tủ lấy đá, nước uống tăng cao hơn mùa khác 1,5-2 lần.
Vì các lý do nêu trên nên điện năng tiêu thụ vào mùa hè tăng cao hơn hẳn các tháng khác, đặc biệt các tháng cuối mùa xuân (3,4).
Bạn ĐINH THỊ HỒNG HOA hỏi:
Nên bật điều hòa ở mức nào để tiết kiệm điện?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Trước hết cần nói một chút về nguyên lý hoạt động của điều hòa. Điều hòa là một thiết bị sử dụng điện năng để thực hiện một quá trình ngược với tự nhiên là hút nhiệt tỏa ra (ở nhiệt độ thấp) để làm mát trong nhà bằng dàn lạnh và sau đó thải nhiệt này cùng nhiệt do điện năng cấp vào thiết bị sinh ra ra ngoài trời bằng dàn nóng (ở nhiệt độ cao).
Muốn thải nhiệt ra ngoài trời, nhiệt độ dàn nóng phải cao hơn nhiệt độ ngoài trời. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên, nhiệt độ dàn nóng cũng phải tăng lên để đảm bảo thải đủ lượng nhiệt cần thiết. Muốn vậy điều hòa phải nâng nhiệt độ ga lạnh cao hơn trước khi vào dàn nóng thải nhiệt, do vậy sẽ chi phí năng lượng cao hơn.
Nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2-3%. Không những thế nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống, tiêu thụ điện năng cũng tăng lên 1,5-3%. Do đó một số người có thói quen để nhiệt độ cài đặt của điều hòa thấp xuống để lạnh nhanh sẽ vô tình làm tăng chi phí điện năng.
Ngoài cài đặt nhiệt độ sao cho tiết kiệm, chúng tôi còn quan tâm làm sao để đảm bảo sức khỏe con người. Nếu nhiệt độ dưới 35 độ thì nhiệt độ chênh lệch trong và ngoài phòng là 7-10 độ C; nếu nhiệt độ hơn 37 độ C thì mức chênh lệch cho phép khoảng 10-12 độ C để tránh hiện tượng sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là người già, trẻ em (choáng, bệnh hô hấp).
Với nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C như hôm nay, chúng tôi khuyến cáo đặt nhiệt độ khoảng 27-28 độ với điều hòa không biến tần. Riêng điều hòa biến tần (inverter) thì đã tự động được các hãng cài đặt rồi.
Bạn PHẠM HỒNG THẮM hỏi:
Tôi nghe nói điều hòa tuy không chạy nhưng vẫn bật cầu dao thì vẫn tốn điện. Mức tiêu hao này có đáng kể không thưa chuyên gia?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Điều này đúng. Về nguyên tắc khi điều hòa vẫn cắm vào nguồn điện và không ngắt cầu dao mà chỉ tắt bật bằng remote, khi đó điều hòa đang ở chế độ chờ. Ngoài ra ở điều hòa luôn có 1 bộ đếm thời gian, luôn để ở chế độ chờ. Những yếu tố này gây hao tổn điện năng.
Tùy điều hòa mà tốn 8-20 Wh. Như vậy một ngày để điều hòa ở chế độ chờ thì lượng điện tiêu thụ sẽ tương đương với 1 bóng đèn LED.
Bạn KIỀU HƯNG hỏi:
Khi sử dụng điều hòa thì mức độ chênh lệch giữa điều hòa inverter và điều hòa thường là bao nhiêu, nếu sử dụng inverter 1 hp thì điện năng tiêu thụ là bao nhiêu (tính trung bình). Nếu giá điều hòa thường chỉ bằng 1/2 inverter thì có nên mua inverter không ạ?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Nhiều hãng điều hòa inverter đưa ra mức tiết kiệm 60% nhưng về mặt kỹ thuật, chúng tôi cho rằng con số này chưa đủ tin cậy.
Có 5 mức dãn nhán năng lượng từ 1 đến 5 sao. Cùng một điều hòa 9000 hoặc 12000 BTU thì chênh lệch điện tiêu thụ giữa 1 và 5 sao đã là 24% (theo TCVN 7830-2015). Giả sử điều hòa inverter 5 sao so với không inverter 1 sao thì thực sự không ý nghĩa để so sánh.
Điều hòa cùng hạng, cùng mức thì giữa inverter và không inverter thì chênh lệch 15-28%. Bạn có thể căn cứ vào đây để lựa chọn điều hòa phù hợp.
Điều hòa inverter 1 hp như bạn hỏi thì tương đương 1 máy 9000 BTU thì điện năng tiêu thụ là 600-800W.
Bạn TRẦN THỊ THU PHƯƠNG hỏi:
Xin hỏi, cách nào tiết kiệm điện hơn: Bật điều hoà 28 độ kèm một quạt hay chỉ bật điều hoà 27 độ?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Việc bật điều hòa kết hợp với quạt gió là rất hợp lý và tiết kiệm điện.
Lý do là nhiệt độ và sự cảm nhận mát mẻ của con người không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Trong lĩnh vực ĐHKK có khái niệm nhiệt độ tiện nghi, tức là thang đo sự cảm nhận độ mát/nóng của người sử dụng, nhiệt độ này là sự tác động tổng hợp của nhiệt độ phòng và tốc độ gió. Chính vì vậy khi chúng ta nâng nhiệt độ lên một ít đồng thời với việc sử dụng thêm quạt sẽ cho cảm giác mát như ở trong môi trường nhiệt độ thấp hơn. Điều này lý giải việc tại sao nếu không có ĐHKK chúng ta chỉ dùng quạt thổi thẳng vào người cũng đã thấy mát.
Chúng tôi đã làm thí nghiệm cho thấy ở nhiệt độ 26-27 độ C kết hợp với quạt gió cho cảm nhận tương đương với cài đặt nhiệt độ ĐHKK ở 22-24 độ C, về điện năng tiết kiệm khoảng 2-3%.
Bạn VŨ THU THỦY hỏi:
Thiết bị nào ngốn nhiều điện nhất trong mùa nóng?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Tham khảo ý kiến từ chuyên gia của EVN, điều hòa là thiết bị tiêu hao nhiều điện năng nhất trong mùa nóng, chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ điện của hộ gia đình.
Bạn BÙI THỊ HƯỜNG hỏi:
Vì sao các thiết bị điện cũ thường hao điện hơn so với thiết bị mới? Tôi nên thay mới các thiết bị điện bao nhiêu năm một lần để đảm bảo không hao điện?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Tất nhiên các thiết bị điện sử dụng lâu ngày sẽ hao điện hơn thiết bị mới. Lý do chính là khi sử dụng lâu các thông số của các thiết bị này sẽ ngày càng bị lệch khỏi thông số thiết kế làm giảm hiệu suất, ngoài ra các chi tiết cơ khí bị hao mòn… cũng góp phần làm giảm hiệu suất.
Về việc thay thế các thiết bị, thông thường mỗi chủng loại thiết bị sẽ có tuổi thọ định mức tương ứng với điều kiện làm việc hoặc bảo trì bảo dưỡng. Chúng ta nên sử dụng thiết bị trong khoảng thời gian cho phép này.
Đối với điều hòa không khí (ĐHKK) nếu được sử dụng liên tục thời gian từ 7-15 năm.
Bạn MẠNH HẢI hỏi:
Để tiết kiệm điện, tôi có thể dùng điều hòa 9.000 BTU thay vì 12.000 BTU cho phòng rộng được không?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Mỗi một loại ĐHKK có mức công suất lạnh khác nhau sẽ thích hợp với các phòng có diện tích khác nhau:
Máy 9.000 BTU/h thích hợp phòng từ 10-16 m2; Máy 12.000 BTU/h thích hợp phòng từ 12-22 m2 và máy 18.000 BTU/h thích hợp phòng từ 18-36 m2
Do đó không thể tùy tiện thay thế ĐHKK cho các phòng khác nhau, tránh tình trạng ĐHKK chạy quá tải không tiết kiệm điện, mau hỏng.
Bạn NÔNG VĂN HUỲNH hỏi:
Nên thay loại gas gì cho điều hòa để điều hòa mát hơn, tiết kiệm điện hơn? Gas R22 hay ga R410, loại R410 thì đắt hơn nhưng tốt hơn. Điều này có đúng không ạ?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Điều hòa nhà bạn chạy loại gas nào thì nên sử dụng loại gas đó để có được công suất tốt nhất. Ga R410A có áp suất làm việc cao hơn hẳn R22, nếu nạp gas không phù hợp có thể gây cháy nổ.
Bạn VÕ TUẤN KIỆT hỏi:
Chuyên gia có thể chia sẻ một vài mẹo dùng điện tiết kiệm mùa nóng của các nước láng giềng Việt Nam được không?
PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG:
Ít người biết công suất lạnh định mức của ĐHKK dùng cho các nước nhiệt đới như Việt Nam được thiết kế ở điều kiện T1 tương đương với nhiệt độ ngoài trời là 35 độ C, nhiệt độ trong nhà là 27 độ C và độ ẩm trong nhà khoảng ~50%. Tức là nhiệt độ trong nhà quốc tế đề xuất là 27 độ C. Do đó Nhật Bản có quy định nhiệt độ cài đặt trong phòng là 27 độ C±1. Họ đề nghị nhân viên mùa hè không mặc comple để không chạy điều hòa ở nhiệt độ thấp.
Ở các nước châu Âu, tường nhà phải có khả năng cách nhiệt là vấn đề bắt buộc, để mùa đông thì ấm, mùa hè thì giảm được nhiệt vào nhà thông qua lớp tường. Quy chuẩn Xây dựng 09:2017 của Bộ Xây dựng đã đề cập tới lớp vỏ (tường bao che) của công trình, theo hướng tiến tới phải có lớp cách nhiệt. Nếu lớp cách nhiệt của tường tốt, thông gió hợp lý có thể làm giảm điện năng tiêu thụ của ĐHKK từ 15-30%.
Ở Singapore có xu hướng bố trí các cây cảnh trên các ban công, tường hướng tây, đông để giảm bớt ảnh hưởng trực tiếp của bức xạ mặt trời. Sử dụng hệ thống ĐHKK thông minh cấp lạnh đến những nơi cần thiết…
Ở các nước trong khu vực và kể cả Trung Quốc, áp dụng chương trình dán nhãn năng lượng cho ĐHKK trước nước ta gần 10 năm, trong đó hiệu suất năng lượng tối thiểu MEP của ĐHKK (để được lưu hành) của Trung Quốc hơn Việt Nam từ 20-30%.