Do đó, để đáp ứng được nhu cầu năng lượng, vấn đề then chốt là cần phải ứng dụng công nghệ phát triển năng lượng bền vững nhằm giảm tổn hao, phát triển năng lượng tái tạo, từng bước nội địa hóa để tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.
Từ sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước
Bên cạnh các chính sách và giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp và hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo… Có thể kể đến một số văn bản nổi bật như: Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030; Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam…
Ứng dụng công nghệ để phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Đặc biệt là Nghị quyết số 55-NQ/TƯ về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11-2-2020. Nghị quyết đã có nhiều đột phá nhằm phát triển ngành năng lượng quốc gia như: Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ngành năng lượng nước ta vẫn còn hạn chế: Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao; việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho lĩnh vực cơ khí chế tạo trong nước còn hạn chế…
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, đối với ngành năng lượng, trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.
Tất cả nhằm mục tiêu cao nhất là bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Đa dạng hình thức đầu tư, tạo thêm cơ chế hỗ trợ
Thực tế, đến nay bên cạnh các hình thức đầu tư từ ngân sách, từ doanh nghiệp tư nhân trong nước... hình thức đầu tư xây dựng, vận hành, chuyển giao (BOT) đã và đang được triển khai ở rất nhiều dự án nhà máy điện. Đây là các dự án có quy mô lớn (về công suất và tổng vốn đầu tư), do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và thu xếp vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Nhìn chung, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua là đáng kể, làm giảm áp lực vốn cho Chính phủ trong những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có vốn lớn, công nghệ phức tạp như các dự án nguồn điện. Nhờ đó, góp phần quan trọng vào việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, nhất là trong bối cảnh các tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đang gặp khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện.
Các dự án đầu tư nguồn điện theo hình thức BOT cũng được xem như là một trong những biện pháp quan trọng nhằm huy động nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng ngành Điện. Hình thức này không những góp phần làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện năng, giảm bớt gánh nặng đầu tư của Nhà nước mà còn đem lại các lợi ích khác như chuyển giao công nghệ, sử dụng vốn, sáng kiến, bí quyết công nghệ, trình độ quản lý và nhiều mục tiêu khác.
Các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen…) sẽ là xu thế tất yếu của thời đại nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định và bảo vệ môi trường. Để phát triển các dạng năng lượng tái tạo, cần nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ.
Ông Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, về cơ chế, chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo bảo đảm minh bạch, hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường; về cơ chế hỗ trợ tài chính cần hoàn thiện việc cho vay lãi suất ưu đãi, ưu đãi về thuế... để thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch.
Link gốc