Sắp tới Việt Nam sẽ rà soát các cơ chế, tạo điều kiện để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào nỗ lực giảm phát thải khí CO2. Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020, ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng, Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết trong hội thảo về Kết quả Hội nghị Toàn cầu về BĐKH (COP21) sáng qua (8/1).
Theo ông Tấn, doanh nghiệp sẽ là nguồn lực chủ yếu giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu. Tại hội nghị COP21 đầu tháng 12/2015 tại Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết Việt Nam sẽ giảm 8% lượng phát thải khí CO2 vào 2030 và 25% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Đây là một phần trong nỗ lực chung của 195 nước, nhất trí cắt giảm lượng phát thải CO2 nhằm giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
|
Các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió sẽ được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Theo Giáo sư Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, thỏa thuận ràng buộc của 195 nước giúp mở ra kỷ nguyên của đầu tư cho carbon thấp, đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch trở nên rủi ro. Dự kiến giá năng lượng tái tạo như mặt trời sẽ rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, ông Goncalo Cavalheiro, nhà tư vấn trong nhóm hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết BĐKH, khuyến cáo công nghệ mới giúp thay thế sử dụng năng lượng hóa thạch cần có thời gian để chín muồi, khoảng từ 15 đến 20 năm. Đồng thời các dòng tài chính cũng cần thời gian để chuyển sang công nghệ tiên tiến.
Ông Thục cảnh báo trong trường hợp các nước thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong báo cáo dự kiến (INDC) gửi tới Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thì nhiệt độ trái đất vào cuối thế kỷ vẫn tăng từ 2,5 đến 2,7oC, cao hơn mục tiêu 2 oC mà các bên đặt ra. Với tổng lượng phát thải hàng năm hiện nay là gần 50 tỷ tấn CO2, các nước chỉ được phát thải lượng từ 1.000 - 1.200 tỷ tấn, tương đương còn 20-25 năm.
Bên cạnh đó, để các nước chuyển đổi sang nền kinh tế tăng trưởng xanh thì cần từ 1.000 đến 2.000 tỷ USD mỗi năm. Khi xu hướng hiện nay trên thế giới là phát triển năng lượng mặt trời, Việt Nam cần chuẩn bị chuyển đổi ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp nên tập trung phát triển công nghệ mới dành cho năng lượng sạch, ông Thục cho hay.
Theo ông Tấn, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn tất kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris trong tháng 10 năm nay. Những thách thức với Việt Nam là chuyển các cam kết từ tự nguyện sang ràng buộc pháp lý, dẫn tới phải xem xét thể chế, cách tổ chức, nhân lực. Việt Nam cũng cần xem xét cơ chế giám sát giảm CO2, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn lực tài chính.
Việc thực hiện cam kết sẽ giúp Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế carbon thấp, về lâu dài thoát bẫy thu nhập trung bình và giải quyết tận gốc các vấn đề của biến đổi khí hậu. Tháng 3 tới Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị quốc tế với các đối tác để thu nhận các khuyến nghị.
"Điều quan trọng nhất là ý chí chính trị trong hành động chuyển đổi nền kinh tế sang carbon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu. Việc này có thể gây đau đớn trong thời gian đầu nhưng cần có định hướng", ông Thục nói.