Tăng trưởng xanh: Còn nhiều thách thức

“Tuy là hướng đi mới, còn nhiều thách thức về thể chế, nguồn lực, nhưng tăng trưởng xanh sẽ là con đường tất yếu của nền kinh tế Việt Nam”, đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội thảo “Các giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” được tổ chức vào tháng 9/2015.

Chưa có nhận thức đúng… 
 
Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên... đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định môi trường sống. Trước thực trạng đó, tăng trưởng xanh là con đường được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. Tại Việt Nam, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất;  Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. 
 
Đến nay, nhiều dự án, chương trình hành động vì mục tiêu tăng trưởng xanh đã được các bộ, ngành như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... triển khai và bước đầu đã thu được một số thành công nhất định. Đặc biệt, Bộ Công Thương với các chương trình, dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh.

Giờ trái đất - Chương trình do Bộ Công Thương phối hợp với EVN tổ chức, kêu gọi cộng đồng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững - Ảnh: Hồng Hoa

Cùng với đó, 16 địa phương cũng đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Nhiều địa phương đang từng bước nghiên cứu, hoàn thiện kế hoạch hành động, tập trung lồng ghép các yêu cầu về tăng trưởng xanh vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tái cơ cấu, đổi mới công nghệ, chủ động chuyển sang đầu tư vào công nghiệp môi trường, nông nghiệp hữu cơ với quy mô ngày càng lớn.

Tuy đã có những bước chuyển biến đáng kể, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo, tăng trưởng xanh vẫn còn là khái niệm khá mới ở Việt Nam. Dù đã được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng, song tăng trưởng xanh chưa trở thành xu thế. Đa số doanh nghiệp và người dân chưa có nhận thức đầy đủ về tính cấp thiết của tăng trưởng xanh.
 
Các kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành và địa phương không thể thành công nếu doanh nghiệp, cộng đồng không nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò cũng như cách thức thực hiện tăng trưởng xanh. TS. Lương Quang Huy - Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Tăng trưởng xanh, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần được coi là trách nhiệm, bổn phận của tất cả các cá nhân, tổ chức song song với các lợi ích về kinh tế, xã hội. Ý thức đó cần được nâng lên thành hành động cụ thể, được hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên”.
 
Thiếu cơ chế và nguồn nhân lực
 
Tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra là giảm cường độ phát thải đến năm 2020 (giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm), Việt Nam cần tới 30 tỷ USD; trong đó, 70% sẽ huy động từ khu vực ngoài nhà nước. Đây là một thách thức lớn, bởi nước ta còn thiếu các cơ chế, chính sách huy động nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ khí hậu quốc tế; việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tăng trưởng xanh vẫn còn gặp không ít khó khăn. 
 
Công nghệ được coi là chìa khóa để thực hiện tăng trưởng xanh. Nhưng công nghệ sản xuất ở nước ta vẫn còn lạc hậu, chậm được đổi mới, sử dụng nhiều năng lượng và làm tăng phát thải khí nhà kính. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn về vốn khi đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi đó, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng xã hội hành động theo hướng tăng trưởng xanh vẫn còn thiếu. Hệ thống thuế xanh, hệ thống tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng trong từng ngành công nghiệp chưa được ban hành và áp dụng đầy đủ. Những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các dự án đầu tư xanh, thân thiện với môi trường chưa được thực thi có hiệu quả...  

Xây dựng các kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp hướng tới tăng trưởng xanh - Ảnh: Thành An

Không chỉ có vậy, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở nước ta chưa thực sự hiệu quả, còn phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường. Các ngành sản xuất năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh học, địa nhiệt vẫn còn rất manh nha. Một số ngành kinh tế thân thiện với môi trường còn gặp khó khăn về nguồn vốn, trong khi đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, không có được lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận còn thấp.
 
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tuy là hướng đi mới, còn nhiều thách thức về thể chế, nguồn lực, nhưng tăng trưởng xanh, bền vững sẽ là con đường tất yếu của nền kinh tế Việt Nam. Chiến lược Tăng trưởng xanh đòi hỏi cần có nhiều chính sách, hành động cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, cần nhấn mạnh vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về hướng tăng trưởng xanh trong mọi cấp, mọi ngành, trong nhân dân. 
 
“Các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp đột phá trình Chính phủ để thu hút tốt hơn các nguồn lực, thực hiện áp dụng hình thức hợp tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư xanh, cũng như xây dựng các cơ chế, giải pháp tranh thủ nguồn lực trong nước và quốc tế cho tăng trưởng xanh”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị.


  • 24/11/2015 04:47
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
  • 2125