Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời để phục vụ việc sản xuất điện. Theo tôi, về chiến lược dài hạn, Việt Nam nên chuyển từ sử dụng năng lượng không thể tái tạo sang năng lượng có thể tái tạo được như năng lượng gió, năng lượng mặt trời bởi vì mặt trời luôn luôn chiếu sáng, gió luôn luôn thổi.
|
Những dự án điện gió như thế này ở Việt Nam hiện còn quá ít - Ảnh: Ngọc Tuấn. |
Phát triển năng lượng sạch
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đi theo mô hình này. Dẫu thực hiện sự chuyển dịch từ sử dụng năng lượng không tái tạo sang năng lượng tái tạo cần đầu tư rất nhiều và đòi hỏi những quyết định khó khăn nhưng về lâu dài việc này sẽ cho kết quả tốt đẹp.
|
"Ở nước tôi, phần lớn người dân đều phân loại rác tại nhà và sẽ có người tới từng nhà thu các loại rác này. Thậm chí chúng tôi còn nhập khẩu phế thải từ các nước khác để sản xuất thêm năng lượng sinh học".
|
Sứ quán Thụy Điển cũng có nhiều dự án hỗ trợ phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam. Hiện Cơ quan Năng lượng Thụy Điển (Swedish Energy Agency - SEA) và các đối tác địa phương phối hợp thực hiện dự án “Nâng cao năng lực xây dựng đề án định hướng phát triển mô hình nhà máy đồng phát điện - nhiệt từ trấu ở quy mô kết hợp nhà máy xay xát lúa tỉnh An Giang” với mục tiêu xây dựng cơ sở khoa học về kỹ thuật và tài chính, xây dựng nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật để phục vụ khai thác và phát triển năng lượng sinh khối từ phụ phẩm cây lúa ở An Giang.
Tôi nghĩ Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng. Việt Nam đã cải cách Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, đó là một bước đi đúng để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam ngày càng hội nhập với kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tham gia những hiệp định thương mại này, Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài vào, trong đó có thể có đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Một số công ty Thụy Điển trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sinh học đang cố gắng thiết lập hoạt động kinh doanh ở Việt Nam bởi vì họ nhìn thấy rất nhiều cơ hội lớn.
Tôi có nghe nhiều nhà đầu tư EU và các nước khác đã quyết định rời khỏi Việt Nam vì hệ thống năng lượng ở đây không ổn định. Nhiều công ty nước ngoài, thậm chí ở các khu công nghiệp quy mô lớn, thường trang bị máy phát điện để đề phòng trường hợp điện bị cắt. Chi phí để hoạt động các máy phát điện này rất tốn kém và việc cúp điện còn làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Do vậy điều quan trọng mà Việt Nam phải làm là bảo đảm hệ thống cung cấp năng lượng ổn định.
99% chất thải ở Thụy Điển được tái chế
Thụy Điển nằm trong số các quốc gia chú trọng phát triển năng lượng xanh và công nghệ sạch. Dù Thụy Điển có dùng năng lượng hạt nhân nhưng phần lớn là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và thủy điện. Năm 1970, chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào dầu và chúng tôi chủ yếu sản xuất dầu. Nhưng sau đó chúng tôi chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo vì chúng tôi nhận thấy đây là nguồn năng lượng của tương lai.
Ở Thụy Điển, chúng tôi chú trọng vào sản xuất năng lượng sinh học, cụ thể là biến phế thải thành năng lượng. Tôi nghĩ bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết chỉ có 1% lượng phế thải ở Thụy Điển đi đến bãi rác, 99% chất thải được tái chế. Chúng tôi có đủ công nghệ để làm được điều này. Chúng tôi tái chế kim loại, bịch nilông, còn thức ăn thừa thì chúng tôi biến chúng thành năng lượng sinh học dùng làm năng lượng cho ôtô và xe buýt ở Thụy Điển.
Một điều thú vị nữa ở Thụy Điển là chúng tôi có thị trường điện tự do, người dân có thể tự chọn mua năng lượng. Chẳng hạn như nếu tôi thích sử dụng năng lượng xanh, tôi sẽ chọn nhà cung cấp năng lượng mặt trời, bạn tôi thích sử dụng năng lượng hạt nhân thì anh ấy có thể chọn sản phẩm của nhà cung cấp năng lượng hạt nhân.
Ngoài ra, Thụy Điển cũng tiếp thu công nghệ từ nước khác và thực hiện những cuộc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, lý do vì dân số Thụy Điển chỉ khoảng 9 triệu người nên chúng tôi không thể sáng tạo tất cả công nghệ cần thiết cho hệ thống năng lượng của nước mình.
Tỉ lệ năng lượng tái tạo rất thấp
Theo quy hoạch điện VII, Việt Nam có đề ra mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020, và 6% vào năm 2030.
|