Xu hướng sản xuất xe điện trên thế giới

Nhiên liệu hóa thạch - nguồn nhiên liệu sơ cấp cho các nhà máy nhiệt điện ngày càng cạn kiệt, cộng thêm tác động về phát thải và ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, xe điện trở thành sự lựa chọn có nhiều ưu thế.

Thị trường xe điện đang phát triển mạnh 

Theo báo cáo của InsideEVs.com, tại thị trường Mỹ, doanh số xe điện năm 2019 tăng 21% so với năm 2018, tương ứng số lượng xe điện bán ra đạt trên 200.000 chiếc. Trong đó, Tesla Model 3 là chiếc xe điện duy nhất tạo nên cơn sốt ở Mỹ trong năm 2019 khi "đè bẹp" các đối thủ, với số lượng bán ra lên đến 160.000 chiếc. 

Tại Châu Âu, tính đến hết tháng 6 năm 2020, lượng xe điện bán ra xấp xỉ 195.000 chiếc, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019. Na Uy là nước dẫn đầu với số xe điện bán ra là 36.500 xe, chiếm tới 37% số lượng xe đăng ký mới của nước này. Iceland - quốc gia láng giềng xếp thứ hai với 19%, Thuỵ Điển đứng thứ ba với 8%.

Các quốc gia trên thế giới hiện đang có xu hướng loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Singapore có kế hoạch loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040; đồng thời khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch như hỗ trợ mức phí đăng ký lên tới 20.000 đô la Singapore; đồng thời sẽ tăng đầu tư xây dựng các trạm sạc điện lên 28.000 trạm vào năm 2030…

Hãng tư vấn Wood MacKenzie dự báo, đến năm 2035, cứ 9 xe ô tô bán ra sẽ có 1 xe chạy điện, nâng tổng số xe điện lên con số 125 triệu xe. Tổ chức Bloomberg New Energy Finance cũng đưa ra dự báo đến năm 2022 hoặc sớm hơn, xe điện sẽ rẻ bằng xe chạy xăng, khi ấy thị trường và doanh số xe điện sẽ càng tăng mạnh hơn nữa.

Sự chuyển dịch từ các “ông lớn”

Với các hãng xe, việc phát triển xe điện đã trở thành tầm nhìn chiến lược, đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng thị phần. Toyota - hãng xe hàng đầu Nhật Bản đã tuyên bố kế hoạch điện hóa hoàn toàn các dòng xe của hãng này vào năm 2025. Trong khi đó, General Motors - “ông lớn” trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu cũng tuyên bố sẽ cho ra đời 20 mẫu xe điện mới từ nay tới năm 2023. Cam kết mạnh mẽ hơn, Volvo - hãng xe lâu đời của Thụy Điển cũng tuyên bố kể từ 2019, tất cả các mẫu xe mới sẽ chỉ là xe điện hoặc xe chạy lai-ghép (hybrid).

Để đáp ứng được sự phát triển mạnh của xe điện, cần sớm phát triển kết cấu hạ tầng đi kèm, cụ thể là hệ thống trạm sạc. Tập đoàn Engie (Pháp) đã mua lại EV-Box, một công ty khởi nghiệp của Hà Lan về cung cấp công nghệ và hạ tầng sạc cho xe điện. Tập đoàn Enel (Italia) - đơn vị chuyên cung cấp năng lượng sạch trên toàn cầu - cũng vừa mua lại EMotorWerks, một công ty hàng đầu thế giới về trạm sạc lưới điện thông minh. EmotorWerks hiện đang sở hữu trên 30.000 trạm sạc, cung cấp dịch vụ cân bằng lưới điện cho các công ty điện lực, đồng thời giúp tài xế có thể sạc điện từ các nguồn năng lượng tái tạo với giá rẻ nhất.

Đáng chú ý, hãng dầu khí quốc tế Shell cũng đã tham gia vào lĩnh vực này bằng việc tuyên bố kế hoạch cung cấp trạm sạc nhanh 8 phút với hơn 80 trạm sạc trên toàn nước Mỹ. Hãng Shell đã mua lại New Motion, một công ty Hà Lan chuyên quản lý các trạm sạc tại Tây Âu, đồng thời sẽ tiếp tục phát triển các trạm sạc mới tại các điểm bán hàng của Shell. 
 


  • 11/01/2021 03:37
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 2820