Ý tưởng tiết kiệm năng lượng cho quán ăn bình dân

Trăn trở trước thực trạng sử dụng năng lượng lãng phí tại các quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, hai sinh viên Nguyễn Phương Anh (Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội) và Tăng Việt Dũng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã đưa ra ý tưởng cải tạo các quán ăn bình dân thành những quán ăn xanh - tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Với tên gọi “Quán ăn xanh - Cuộc cách mạng ẩm thực ở Việt Nam”, ý tưởng này đã giành giải Ba tại Cuộc thi ““Tuổi trẻ với Sáng kiến vì môi trường bền vững” năm 2014.

Từng bước tạo thói quen

Chị Nguyễn Phương Anh cho biết, tại các nước phát triển như Mỹ, Canada..., Hiệp hội Nhà hàng xanh (Green Restaurant Asociation) đã được thành lập từ những năm 1990, đưa ra tiêu chuẩn cho các nhà hàng thân thiện với môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Trong khi đó, ở Việt Nam, khái niệm “Nhà hàng xanh” còn khá xa lạ.

Các tiêu chí của Nhà hàng xanh

Hiện nay, đã có một số quán cafe, quán ăn bước đầu xây dựng mô hình “Nhà hàng xanh” nhưng mới chỉ được một vài tiêu chí. Còn đa phần các quán ăn bình dân ở Việt Nam vẫn chưa có một thiết kế hợp lý để tiết kiệm năng lượng cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Trong khi nhà hàng sang trọng khá đắt đỏ, thì các quán ăn bình dân lại chưa thực sự hấp dẫn khách hàng, do việc bố trí, tổ chức quán ăn chưa được sạch sẽ, thoáng đãng. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đưa ra những giải pháp nâng cấp các quán ăn bình dân thành các quán ăn xanh vừa tiết kiệm năng lượng, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đưa ra các tiêu chuẩn nhằm đánh giá, xem xét những nhà hàng đủ tiêu chuẩn “xanh”.

Giải pháp đơn giản, tiết kiệm

Phương Anh cho biết: “Một quán ăn đang hoạt động bình thường, nếu muốn chủ quán thay đổi toàn bộ để biến một quán ăn thường thành một quán ăn xanh sẽ rất khó. Chính vì vậy, chúng tôi tập trung vào những thay đổi đơn giản, tiết kiệm và có thể thực hiện ngay như: Bố trí không gian, thực hiện các phương pháp tiết kiệm năng lượng, tái chế và xử lý rác thải, đảm bảo an toàn thực phẩm...”

Nguyễn Phương Anh tại Lễ trao giải Cuộc thi "Tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững

Cụ thể, các quán ăn nên sơn màu sáng như trắng sữa, be, xanh dương, vàng... vừa có tác dụng phản xạ lại ánh sáng mặt trời, không làm nóng tường vừa tạo cảm giác căn phòng rộng và thoáng hơn. Làm mới bàn, ghế bằng gỗ ép cũ bàng cách bọc nhôm vào mặt bàn. Nhôm không chỉ bền mà còn giúp mặt bàn sáng bóng, dễ vệ sinh...

Thay vì sử dụng nhiều quạt tường và quạt cây cho từng khu vực, các quán ăn nên sử dụng quạt trần lớn, bởi quạt trần tạo gió tốt, phù hợp làm mát không gian rộng. Với hệ thống chiếu sáng và thiết bị bảo quản thức ăn (tủ đông, tủ lạnh), nên sử dụng các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao, các sản phẩm có dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương.

Khi sắp xếp thức ăn trong tủ lạnh, tủ đông cần phải khoa học để đạt hiệu quả giữ nhiệt cao nhất; tắt hết các thiết bị điện khi ngưng sử dụng. Các nhà hàng cần tận dụng nguồn nước từ việc rửa rau để tráng các loại bát có nhiều dầu mỡ hoặc giặt dẻ lau nhà...

Ngoài ra, chủ quán nên trồng một giàn cây xanh để che nắng thay cho mái hiên di động; đặt cây xanh ở các góc phòng nhằm thanh lọc không khí và tạo không gian thoáng đãng, trong lành.

Đặc biệt, các chủ quán ăn nên liên kết với một nhà cung cấp thực phẩm sạch để thường xuyên lấy thực phẩm với giá ưu đãi, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hạn chế sử dụng giấy ăn không đảm bảo vệ sinh; phân loại rác hữu cơ, vô cơ để tận dụng làm tái chế như: Thức ăn thừa để nuôi gia súc, gia cầm; vỏ trái cây, rau thừa ôi thiu, bã chè làm phân hữu cơ bón cho cây trồng...

Không chỉ có vậy, các nhà hàng cũng sẽ là một kênh tuyên truyền hiệu quả, giúp khách hàng tạo nên những thói quen tốt trong sử dụng năng lượng như: Thay vì để trống những bức tường lớn, chủ quán nên treo các bức tranh, các poster mang những thông điệp ý nghĩa về riết kiệm điện, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường.

 “Từ những thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt, chúng tôi hi vọng sẽ tạo ra được một cuộc cách mạng quán ăn xanh ở Việt Nam, hướng người chế biến và người tiêu dùng đến nếp sống lành mạnh, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Phương Anh chia sẻ.

 


  • 03/02/2015 02:51
  • Bài, ảnh: Thùy Lê
  • 2425