3 bài học quản trị từ email CEO Microsoft, Starbucks, Amazon gửi nhân viên

Có nhiều cách để định nghĩa một người lãnh đạo tài ba. Tuy nhiên, phần lớn đều đồng ý rằng người có khả năng quản trị thực thụ luôn thể hiện được hành động đi đôi với lời nói, biết làm gương và truyền cảm hứng cũng như khích lệ người khác. Email cho nhân viên, tưởng chừng như một phương án đã cũ, lại là một trong những cách quản trị khá hiệu quả vì nó thể hiện rõ ràng và sinh động những yếu tố trên.

Dưới đây là 3 email từ các CEO của Microsoft, Starbucks và Amazon dành cho nhân viên cùng những bài học quý giá rút ra từ đó.

CEO Microsoft khích lệ nhân viên sau thất bại ê chề

Cách đây một năm, Microsoft đã cho ra mắt một tài khoản ảo trên Twitter dưới tên gọi “Tay” với mong muốn nâng cao khả năng giao tiếp của trí thông minh nhân tạo. Bất ngờ, trong chốc lát, các hacker đã xâm nhập và thao túng “Tay”, buộc tài khoản sử dụng trí thông minh nhân tạo này tuôn ra vô số lời bình luận tục tĩu, sặc mùi kỳ thị chủng tộc. Chưa đầy 16 tiếng sau, Microsoft đã phải gỡ bỏ “Tay” và ra thông cáo tạ lỗi cho sự cố này.

Sau sự cố trên, đội ngũ chịu trách nhiệm về “Tay” đã phải hứng chịu đả kích tâm lý cực kỳ to lớn. Trong bối cảnh đó, họ đã nhận được những dòng tâm sự thế này từ CEO Satya Nadella: “Hãy gắng sức lên và nhớ rằng tôi luôn ở cùng với các bạn... Mấu chốt nằm ở việc chúng ta luôn không ngừng học hỏi và hoàn thiện”.

Bài học: Nhân viên cần được biết bản thân có sự hậu thuẫn và nâng đỡ đến từ sếp. Tất cả chúng ta đều có lúc mắc sai lầm. Điều quan trọng là làm thế nào để giúp người mắc lỗi đứng lên từ thất bại.

Trong một cuộc phỏng vấn, Nadella đã giải thích lý do đằng sau những lời động viên, an ủi chí tình dành cho nhân viên: “Với người lãnh đạo, mấu chốt là không được để cho mọi người kích động hay sợ hãi, mà thay vào đó phải hỗ trợ thật tốt cho cấp dưới để họ tập trung giải quyết vấn đề thực sự. Tìm ra sáng chế mới dưới tác động của sợ hãi là rất khó, thậm chí là bất khả thi”.

Khi được nhận cổ vũ và khích lệ thay cho sự nao núng và buồn rầu, ngọn lửa động lực trong nhân viên sẽ lại được bật sáng để họ tiếp tục mang đến các kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn.

CEO Starbucks truyền cảm hứng sau sự cố thị trường chứng khoán

Vào tháng 8/2015, hàng loạt dấu hiệu cho thấy sự tụt dốc của nền kinh tế Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng lo ngại toàn cầu, khiến cho hơn 1 nghìn tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường châu Á, kéo theo chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tuột đến 588 điểm. Trên mạng xã hội Twitter, người ta đua nhau để hashtag #GreatFallOfChina (Trung Hoa đại suy thoái).

Ở cương vị CEO của Starbucks, Howard Schultz muốn tất cả 190.000 nhân viên của mình ý thức được về sự kiện quốc tế này. Ông đã viết một bức thư điện tử gửi đến tất cả như sau: “Các khách hàng của chúng ta có lẽ đang phải trải qua giai đoạn cực kỳ căng thẳng và lo lắng. Xin các bạn hãy ý thức được điều này và luôn nhớ rằng thành công của chúng ta được quyết định bởi nỗ lực làm việc mỗi ngày chứ chẳng phải từ há miệng chờ sung.

Hãy tinh tế thấu hiểu cho áp lực mà họ đang phải gánh chịu cũng như làm tất thảy mọi thứ trong tầm tay để khách hàng cảm thấy hài lòng về nhân viên nói riêng và Starbucks nói chung.

... Các bạn, chứ không phải ai khác, chính là yếu tố quyết định cho sức mạnh, đặc trưng và giá trị của Starbucks. Thành công của hiện tại cũng như trong tương lai đều phụ thuộc vào các bạn. Tôi tin tưởng các bạn. Điều tôi tự hào hơn cả là được sát cánh cùng các bạn”.

Bài học: Khả năng lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp luôn là thứ phải được ưu tiên hàng đầu. Howard Schultz có thể đơn giản đọc tin tức suy thoái kinh tế rồi bình thản làm việc tiếp.

Nhưng vị CEO này đã không bỏ qua cơ hội tạo ảnh hưởng lên nhân viên của mình, tận dụng sự kiện ấy để truyền cảm hứng cho cấp dưới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của Starbucks giữa tình hình mà ai nấy đáng ra đều căng thẳng. Cái hay của Howard Schultz nằm ở cách mà ông động viên cấp dưới của mình: Giữ nguyên phong thái uy nghi của sếp, không hạ mình van xin mà vẫn có thể ngợi khen người khác.

CEO Amazon dùng chính scandal khiến công ty trở nên tốt hơn

Mùa hè năm 2015, tờ New York Times đã đăng một bài phóng sự miêu tả Amazon - nhà bán lẻ lớn nhất hành tinh, là kẻ ngược đãi người lao động, sẵn sàng vì lợi nhuận và năng suất mà đánh đổi sức khỏe cũng như tinh thần của nhân viên.

Dĩ nhiên, Jeff Bezos cho rằng lời chỉ trích trên là hoàn toàn vô căn cứ và có phần định kiến đối với Amazon. Dù vậy, thông qua một lá thư nội bộ, Jeff Bezos vẫn khuyến khích tất cả nhân viên đọc bài viết trên tờ New York Times và “mạnh dạn liên hệ ngay với phòng nhân sự” nếu cảm thấy bản thân mình được nói đến trong bài báo đó. Các cá nhân cảm thấy bị ngược đãi thậm chí có thể gửi email trực tiếp cho Bezos.

Nguyên văn bức thư: “Bài viết đã không hề miêu tả chính xác về Amazon mà tôi biết cũng như những nhân viên cần mẫn đang làm việc tại đây. Nếu các bạn biết bất cứ trường hợp nào giống như lời trong bài viết ấy, hãy mạnh dạn liên hệ ngay với phòng nhân sự. Các bạn cũng có thể email trực tiếp cho tôi tại jeff@amazon.com. Dù ở nơi xa xôi hay là trường hợp hi hữu thì Amazon cũng sẽ không bao giờ để cho tình trạng bất công này xảy ra. Tôi tin chỉ người điên mới dám ở lại làm việc cho một công ty như những gì tờ NYT mô tả. Nếu là tôi, tôi sẽ rời khỏi nơi đó ngay”.

Bài học: Lời đáp của Jeff Bezos đối với các nhân viên Amazon thể hiện rõ kỹ năng làm chủ tình huống và quản trị cảm xúc cũng như khả năng học hỏi từ các lời chỉ trích, vốn là những điều vô cùng cần thiết đối với mỗi CEO.

Những lời chỉ trích hằn học luôn rất khó “nuốt”. Tuy nhiên, chúng lại giúp ta phát hiện ra được điểm mù trong tư duy của bản thân cũng như những chỗ cần phải được cải thiện. Thậm chí, trong một số trường hợp, dù lời chỉ trích có vô căn cứ tới đâu đi chăng nữa, nó cũng ít nhiều khiến ta đón nhận sự việc từ một góc độ khác hẳn, để từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn.


  • 02/07/2018 08:41
  • Nguồn: thoidai.com.vn
  • 2592