Khi tốt nghiệp, bạn có thể nghĩ rằng kế toán thuế là công việc dành cho mình. Sau một vài đợt làm việc bận rộn, thông thường bạn sẽ phải chỉnh sửa một chút về quan niệm nghề nghiệp của mình dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm bạn mới thu thập được. Bạn có thể sẽ chắc chắn hơn với nghề thuế, hoặc sẽ nghĩ mình hợp làm kiểm toán hơn.
Giống như các cuộc thử nghiệm khoa học, không phải mọi giả thuyết bạn đặt ra đều trở thành hiện thực. Nhưng lúc nào thì bạn nên thay đổi sang một cuộc thử nghiệm khác? Dưới đây là 3 dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn nên thay đổi.
Con đường sự nghiệp tốt nhất sẽ không bao giờ xuất hiện một cách thần kỳ. Ảnh: Trí thức trẻ
|
Dấu hiệu số 1: Kiệt sức và chán nản
Hầu hết chúng ta đều phải lê bước đến công ty mỗi buổi sáng, không hứng thú với công việc hàng ngày, và mệt mỏi vào cuối ngày. Tuy nhiên, với Adam – 34 tuổi, một khách hàng của tôi, cảm giác không phải chỉ là một vài lúc thăng lúc trầm trong tuần mà đối với anh, một nhân viên bảo hiểm, chỉ ra khỏi giường và đến công sở để làm việc đã cần một động lực vô cùng to lớn. Anh thấy buồn chán trước quãng đường đi làm và công việc giấy tờ chốn công sở, và sức lực của anh thực sự cạn kiệt vào cuối ngày. Nỗi buồn chán của anh đã lây lan sang những lĩnh vực khác trong cuộc sống, ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn bè, gia đình.
Nên làm gì trong trường hợp này?
Nếu liên tục cảm thấy kiệt sức và buồn chán, bạn nên xác định rõ ràng cái gì đang gây ra điều đó bằng cách chia nhỏ công việc ra thành từng phần tách biệt. Khía cạnh nào khó chịu nhất với bạn? Đó là công việc bạn đang phụ trách? Quãng đường đi làm quá dài? Hay đồng nghiệp đang làm bạn mệt mỏi? Hãy mạnh dạn thay đổi những khía cạnh đang gặp vấn đề trong công việc của bạn.
Hãy suy nghĩ xem nỗi bất mãn của bạn có thật sự bắt nguồn từ chính công việc hay không, hay chỉ là những trở ngại về môi trường, như đồng nghiệp khó chịu, sếp khó chiều, hay đường đến công ty quá xa.
Những yếu tố về môi trường có thể được giải quyết đơn giản hơn, bằng cách chuyển đến gần chỗ làm hơn, chuyển sang nhóm khác để làm việc, hay thậm chí chuyển sang vị trí tương tự trong một công ty khác. Nếu vấn đề nằm ở chính công việc bạn đang làm, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần thay đổi.
Giờ hãy làm điều ngược lại: Xác định những hoạt động, nhân vật, và yếu tố môi trường thúc đẩy bạn trong ngày làm việc. Chủ đề nào bạn thấy thích thú nhất? Thời điểm nào bạn dễ làm việc quên thời giờ nhất? Bạn thích học hỏi và trau dồi kỹ năng/kiến thức nào nhất?
Trong trường hợp của Adam, anh nhận ra rằng mình được tiếp năng lượng bởi những thứ liên quan đến ẩm thực. Cha của anh là một nhân viên bảo hiểm, và kỳ vọng anh cũng làm trong lĩnh vực này. Nhưng trong thời gian rảnh, Adam thường công phu chuẩn bị những bữa tối cho bạn bè, đọc sách dạy nấu ăn để giải trí, và vô cùng yêu thích việc thử nghiệm một công thức nấu ăn mới. Cuối cùng, anh đã được tuyển vào làm trong ngành công nghiệp nhà hàng ở vị trí trưởng nhóm đầu bếp, phụ trách một món ăn. Từ đó, sự gắn kết với công việc và năng lượng trong anh liên tục gia tăng. Giờ đây, khi anh trở về nhà, dù mệt mỏi nhưng anh rất mãn nguyện với cả ngày làm việc.
Dấu hiệu số 2: Sự thờ ơ
Đã bao giờ bạn trải qua tình trạng làm việc mà đầu óc thì ở trên mây? Điều này xảy ra với tất cả chúng ta. Nhưng chỉ cần sau một đêm nghỉ ngơi hay nói chuyện với bạn bè, tâm trí bạn sẽ quay trở lại.
Nhưng khi bạn thấy thờ ơ với công việc, chỉ mong đến giờ về, đầu óc luôn trên mây trên gió, và liên tục ước rằng mình đang ở một nơi nào khác, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn cần thay đổi.
Hannah, một khách hàng 29 tuổi, đã làm công việc tư vấn được nhiều năm. Khi mới nhận việc, cô đã cố gắng với tất cả tâm huyết, và cống hiến nhiều ý tưởng cho các cấp quản lý. Nhưng công ty lại muốn cô làm theo quy trình hơn là đổi mới và sáng tạo, cũng như không khuyến khích những nỗ lực của cô. Khi tôi gặp Hannah, công việc cô đang làm khá ổn, nhưng cô không còn quan tâm đến việc cô đang làm một chút nào nữa.
Nên làm gì trong trường hợp này?
Nếu bạn chỉ đang miễn cưỡng làm việc, bạn cần xác định rõ ràng mình quan tâm đến điều gì, đồng thời về những giá trị bạn mong chờ trong công việc, ví dụ như quyền tự quyết, môi trường làm việc, nỗ lực vì một mục đích lớn hơn, hay đón nhận thử thách mới.
Trong trường hợp của hannal, cô yêu công việc, nhưng văn hóa cứng nhắc của doanh nghiệp đã hạn chế tinh thần sáng tạo của cô. Hannah chỉ cảm thấy mãn nguyện nhất với công việc và học tập khi cô được phép sáng tạo. Hannah không cần hoàn toàn thay đổi, vì sau tất cả, có rất nhiều công ty tư vấn khuyến khích sự đổi mới. Cô chỉ cần tìm một môi trường như vậy là đủ.
Hannah đã bắt đầu tìm kiếm một môi trường tư vấn mới và cuối cùng đã được nhận một công việc trong một công ty tư vấn khuyến khích những nhân viên thích sự đột phá và tư duy đổi mới như cô. Từ đó, mối quan tâm và sự tập trung của cô vào công việc đã gia tăng đáng kể.
Dấu hiệu số 3: Ghen tỵ
Ta thường nghe rằng ghen tỵ là việc xấu và nên tránh, nhưng đó còn có thể là một dấu hiệu cho sự thay đổi.
Khi 27 tuổi, Juliet kết thúc khóa học về hóa học. Khi nói chuyện về những dự án và bài nghiên cứu, cô chuyển chủ đề sang một người bạn đang làm nhà phân tích chính sách, giọng cô đột nhiên trở nên đầy oán giận. Và Juliet trở nên hằn học mỗi khi chuyển sang chủ đề chính sách công.
“Cô có ghen tỵ với công việc của bạn hay không?” Tôi hỏi Juliet.
Cô dừng một lúc rồi trả lời: “Thực ra là có.” Và như vậy, tôi có cơ sở để nói rằng Juliet thực sự muốn gì cho sự nghiệp của mình, chẳng liên quan gì đến hóa học. Cô đã theo đuổi bộ môn nghiên cứu hóa học mà không có định hướng rõ ràng, một tấm bằng tiến sĩ cao quý là lý do để cô trì hoãn việc quyết định cho sự nghiệp của mình trong nhiều năm. Nhìn lại những sự kiện trong quá khứ, rõ ràng cô có niềm đam mê lớn với ngành chính sách công, từ những buổi trao đổi muộn về các vấn đề thời sự đến những buổi tình nguyện cho một cuộc tranh cử tổng thống.
Nên làm gì trong trường hợp này?
Trước khi thay đổi điều gì, bạn cần xác định điều gì khơi gợi nỗi ghen tỵ trong bạn: Bạn có “bùng nổ” mỗi ghi nghe về công việc thiết kế cảnh quan của ai đó? Có ghen ghét khi gặp một người bạn của bạn đang làm luật sư sáng chế?
Sau đó, hãy chia nhỏ từng phần của công việc: Chính xác điều gì khiến bạn ghen tỵ? Có phải vì anh chàng thiết kế cảnh quan kia được ở ngoài suốt ngày? Có phải vị luật sự sáng chế kia được hiểu rõ nhất về những công nghệ tân tiến nhất? Bạn thấy điều gì thực sự đáng giá nhất trong những công việc đó?
Có cách nào để kết nối những gì bạn đang làm với những khía cạnh đáng ghen tỵ của những công việc đó hay không? Nếu không, bạn cần phải thay đổi.
Sau khi nhận thức được sự ghen tỵ của mình, Juliet tập trung vào những kỹ năng phân tích của mình, một kỹ năng có thể sử dụng được trong mọi ngành nghề khác nhau, và bắt đầu tạo dựng mối quan hệ nhằm lấp đầy khoảng cách giữa kiến thức được học và lĩnh vực cô đam mê. Cô tham gia những hiệp hội về luật tại địa phương, tổ chức những buổi phỏng vấn lấy thông tin từ những người làm về phúc lợi trẻ em, và thêm vào CV của mình những công việc tình nguyện liên quan đến trẻ em. Với vài năm kinh nghiệm làm việc về chính sách, cô không còn cảm thấy ghen tỵ nữa.
Không phải mỗi ngày làm việc dài đằng đẵng hay nỗi bứt rứt ghen tuông đều là dấu hiệu để bạn phải thay đổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ đơn giản dùng bữa trưa theo cách bạn yêu thích có thể tác động đến cách bạn cảm nhận về cả một ngày làm việc. Chỉ khi bạn liên tiếp cảm thấy kiệt sức, thờ ơ, hoặc bất mãn với ai đó, thì hãy nghĩ đến việc thay đổi.