Các doanh nhân thành công có thể tận dụng 3 kỹ năng này để trở nên không thể thay thế như thế nào? Riccardo Campione – nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn về lĩnh vực khoa học dịch vụ đã giải đáp câu hỏi này bằng một bài viết về những trường hợp “không thể bị robot thế chỗ” trên Entrepreneur:
1. Sáng tạo
Sáng tạo là một phần không thể thiếu trong mọi giai đoạn kinh doanh, từ lúc khởi sự đến khi cần củng cố tinh thần nhân viên, làm mới lại mô hình kinh doanh…
Có thể nói, toàn bộ nền tảng của tinh thần doanh nhân bắt nguồn từ sự sáng tạo, nhưng trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nhân không có đủ sự cởi mở để tạo điều kiện cho những ý tưởng mới phát triển - điều mà đầu bếp 3 sao Michelin (sao Michelin trong lĩnh vực ẩm thực được ví như tượng vàng Oscar trong lĩnh vực điện ảnh) Massimo Bottura gọi là “sẵn sàng nháy một ánh đèn flash giữa đêm tối”.
Nhà hàng Osteria Francescana ở thành phố Modena (Italia) do bếp trưởng Massimo Bottura “cai quản” được nhiều người biết đến nhờ món tráng miệng độc đáo là bánh tart được bài trí như thể bị vỡ ra nhiều mảnh.
Thực ra món bánh đặc trưng này ra đời từ một “vụ tai nạn”: Đầu bếp Kondo Takahiko của Osteria Francescana đã thử một chút thay đổi trong cách chế biến và bài trí, gây ra “hậu quả” là chiếc bánh bị vỡ ra nhiều mảnh. Khi Takahiko định bỏ phần bánh đó để làm lại chiếc bánh khác thì bếp trưởng Massimo Bottura đã ngăn lại. Ông nói “Thật đẹp, thật tuyệt vời!”, rồi sau đó biến món bánh này trở thành món tráng miệng “không đụng hàng” và làm nên tên tuổi cho nhà hàng Osteria Francescana.
Massimo Bottura cho biết: “Những đầu bếp của tôi đủ khả năng để làm việc ở bất kỳ đâu trên khắp thế giới, nhưng họ ở lại đây vì cảm thấy được kích thích”. Thông điệp này từ Massimo Bottura có giá trị với mọi doanh nhân trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Trong một video hài hước mô phỏng về thời hậu hiện đại, Bottura phục vụ bữa ăn cho một robot trong căn phòng cách âm có gắn nhiều microphone. Đến đoạn cao trào, ông thì thầm vào tai robot: “Bạn cảm thấy thế nào về món này?”. Đây có lẽ là một lời bình luận về viễn cảnh những căn bếp được tự động hóa và những đầu bếp robot trong tương lai.
2. Kết nối
Doanh nhân ngày nay tham gia vào đa dạng các mạng lưới mối quan hệ, nhưng chủ yếu nhằm mục đích thu hút khách hàng và nhà đầu tư nhiều hơn là để được kết nối một cách thực sự. Trong khi để thành doanh nhân thành công, họ phải phát triển khả năng tò mò về người khác và học cách kết nối hiệu quả với những người rất khác với họ. Những ý tưởng mới thường đến từ những người nằm ngoài các mối quan hệ thân thiết của chúng ta.
Một ví dụ về sự kết nối tuyệt vời là câu chuyện của Brian Chesky – CEO, đồng sáng lập Airbnb, người đã kết nối sự lưu trú, nghỉ ngơi với thời đại kỹ thuật số và làm thay đổi ngành công nghiệp khách sạn, tạo cú hích lớn cho nền kinh tế chia sẻ.
Jonathan Ive – Phó chủ tịch cấp cao mảng thiết kế của Apple ca ngợi Chesky trên Tạp chí Time là “một trong 100 người tạo ra sức ảnh hưởng lớn nhất trong năm 2016”, và rằng “Chesky dám tin rằng chúng ta không nên là những người xa lạ và nhìn thấy một cách mới để xây dựng cộng đồng thông qua khát vọng bẩm sinh của mọi người là được kết nối với thế giới xung quanh”.
Khi khởi sự Airbnb, Brian Chesky chỉ là một cử nhân ngành nghệ thuật còn đang thất nghiệp, mang bên mình giấc mơ xây dựng một startup và chưa được chuẩn bị gì nhiều để có thể lãnh đạo một công ty trị giá hàng tỷ đô la vào 5 năm sau đó. Tuy nhiên, là một người “tò mò bẩm sinh”, ông say mê tìm cách kết nối nhiều cá nhân lại với nhau và lôi kéo được nhiều người tài giỏi đến giúp mình, như COO hiện tại của Facebook Sheryl Sandberg – người khuyên Chesky phải trở nên chủ động, và cả một nhân vật ít ngờ hơn nữa là cựu giám đốc CIA George Tenet – người đưa ra nhiều lời khuyên về văn hóa doanh nghiệp. Chesky đã hăng hái tiếp thu và tổng hợp sự tư vấn của tất cả mọi người.
Hồi tháng 12, Brian Chesky thậm chí còn xin lời khuyên từ… những người theo dõi mình trên Twitter bằng cách đưa ra câu hỏi: “Nếu Airbnb có thể ra mắt một điều mới mẻ trong năm 2017, bạn nghĩ điều đó có thể là gì?”. CEO Airbnb đã nhận được hơn 1.000 câu trả lời và đã phản hồi lại cho hàng trăm người trong số này để hỏi chi tiết hoặc thể hiện sự ủng hộ cho ý tưởng của họ.
“Quá dễ dàng để nói với bạn rằng 10 công việc nào sẽ tồn tại hoặc không tồn tại trong tương lai. Con người sẽ làm gì trong tương lai? Họ sẽ làm những điều chỉ có con người mới làm được”, Brian Chesky nói.
3. Kể chuyện
Bị "ngợp" bởi quá nhiều thông tin, công chúng ngày nay không còn hào hứng với các nội dung quảng cáo nữa. Cách duy nhất giúp doanh nhân hiện đại chia sẻ thông điệp hiệu quả là phải sở hữu kỹ năng kể chuyện.
Các quyết định của doanh nhân thường đến từ cảm xúc. Điều đó không đủ để tạo nên một sản phẩm/dịch vụ tuyệt vời. Bạn phải tìm ra cách giúp mọi người biết về nó và “chiến đấu” cho tầm nhìn của mình bằng một câu chuyện hấp dẫn.
Travis Kalanick – nhà đồng sáng lập, CEO Uber là một ví dụ điển hình. Uber phải tham gia vào những cuộc chiến pháp lý ngay từ những ngày đầu. Và Travis Kalanick – một diễn giả có sức hút – đã dùng những câu chuyện kể để nói về nguồn động lực cho sự nghiệp của bản thân một cách hiệu quả.
Chẳng hạn, Kalanick đã phải chiến đấu hết mình để quảng bá và bảo vệ cho chương trình chia sẻ xe Uberpool. Trong một bài diễn thuyết tại tổ chức phi lợi nhuận TED (TED Talk), Kalanick đã kể câu chuyện về ý tưởng xe buýt giá rẻ của L.P. Draper – một nhân viên bán xe hơi ở Los Angeles vào năm 1914 và gọi đó là một phiên bản của Uberpool.
“Dịch vụ chia sẻ xe đã ra đời từ sớm tại nước Mỹ và trong vòng một năm đã có 150.000 lượt đi/ngày ở Los Angeles. Tôi xin cung cấp cho các bạn thêm một thông tin nữa, đó là: khoảng 100 năm sau đó, hiện Uber ở Los Angeles đang thực hiện khoảng 157.000 chuyến xe/ngày”, Kalanick cho biết. Sau đó, như những người kể chuyện bậc thầy khác, ông dẫn ra những thách thức mà loại hình vận tải của L.P. Draper từng phải đối mặt và rồi cuối cùng đã bị "kết liễu" ra sao. Câu chuyện đã chinh phục được hầu hết khán giả có mặt tại buổi TED Talk hôm đó.