7 bước thành "chuyên gia" trong mọi lĩnh vực

Dưới đây là 7 bước giúp một người trở thành người có tầm ảnh hưởng trong bất kỳ lĩnh vực nào.

1. Xác định mục tiêu

Đầu tiên, hãy xem xét những câu hỏi sau: Bạn muốn thành thạo lĩnh vực nào? Bạn đam mê điều gì? Tennis, tài chính, sự phát triển cá nhân, rèn luyện thể chất, hay âm nhạc, nghệ thuật…? Sau đó, chọn một thứ phù hợp. Nếu muốn có được thành công nổi bật, bạn cần phải rất giỏi một thứ gì đó.

Theo lý thuyết tự định đoạt, hay còn gọi là lý thuyết về sự tự quyết (self-determination theory), khi giỏi về một thứ, chúng ta đồng thời cũng sẽ có thể giỏi ở nhiều thứ khác. Do đó, một chuyên gia có thể nhanh chóng trở thành người có hiểu biết rộng về nhiều thứ, nhưng đầu tiên, họ phải là chuyên gia trong một lĩnh vực.

Lý do của việc này là, khi trở thành chuyên gia một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ học được… cách học. Bạn biết phải làm thế nào để đào sâu về một thứ gì đó. Và chiều sâu đó sẽ được bạn tận dụng hiệu quả để áp dụng kết hợp trong các lĩnh vực khác, sở thích khác.

2. Xác định người mình muốn học hỏi và tìm cách tiếp cận họ

Khi đã xác định được thứ mình muốn theo đuổi, bạn cần xác định được một hoặc một vài người giỏi trong lĩnh vực đó. Câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là: Ai sẽ là người giỏi nhất?

Trên thực tế, có nhiều người đang làm thứ mà bạn muốn làm, nhưng hầu hết mọi người đều hài lòng với mức độ bình thường. Họ không tự tin để trở thành người giỏi nhất, hoặc không muốn “bị” chú ý. Do đó, hãy chỉ chọn học hỏi từ những người giỏi nhất.

3. Học hỏi và bắt chước

Theo tác giả cuốn sách bán chạy Jeff Goins, bạn phải thật thành thạo cách… bắt chước những người giỏi và có tầm ảnh hưởng. Hãy sao chép và áp dụng những điều họ đang làm. Bởi trên thực tế, họ là những người đang gặt hái thành quả từ sự phấn đấu không ngừng nghỉ trong quá khứ.

4. Tự tìm cách “gõ cửa”

Shane Snow - nhà báo, doanh nhân công nghệ, nhà đồng sáng lập startup Contently (chuyên giúp đỡ các nhà báo và những người kể chuyện tự do kết nối với các thương hiệu đang có nhu cầu về nội dung), tác giả cuốn sách Smartcuts: How Hackers, Innovators, and Icons Accelerate Success (tạm dịch: Cách các hacker, người có tư duy đột phá đạt đến thành công) - cho biết, trước kia, ông chưa từng viết một bài blog nào, nhưng đã đặt mục tiêu là có bài viết được đăng trên các trang như Entrepreneur, Wired và Mashable càng sớm càng tốt.

Điều đầu tiên ông làm là tạo dựng uy tín bằng cách post bài viết lên những trang blog có quy mô nhỏ hơn. Sau đó, ông gửi email kèm link bài viết đã được đăng cho những biên tập viên ở những website lớn. Nội dung là “Xin chào, tôi đã được đăng một số bài viết trên những nền tảng tương tự với nền tảng của bạn. Chất lượng và hiệu quả chúng đạt được khá khả quan. Tôi đã tìm hiểu về nền tảng của bạn, và tôi tự tin rằng các bài viết của tôi có thể thu hút được các độc giả của bạn. Đây là một số bài viết. Bạn nghĩ gì về điều này?”.

Câu chuyện của Shane Snow cho thấy, để đạt được mục tiêu, chúng ta phải chủ động tìm cách “gõ” những “cánh cửa” cần thiết, chứ không phải chỉ ở yên một chỗ chờ đợi mọi thứ đến với mình.

Thực tế, không phải tất cả các biên tập viên đều phản hồi cho Shane Snow. Nhưng sau hơn 6 tháng theo đuổi cách làm này, các bài viết của Snow đã được xuất bản trên nhiều nền tảng trực tuyến về kinh doanh và công nghệ. Ông đã đạt được thành công nhanh hơn cả mong đợi ban đầu.

5. Cố gắng giỏi đến mức không thể bị từ chối

Một khi nghiên cứu trong lĩnh vực của mình đủ lâu, bạn sẽ biết được những tiêu chuẩn cần đạt được là gì. Sau đó, hãy làm tốt hơn các “anh hùng” mà bạn đã học hỏi. Bạn có thể làm được. Bạn phải tin rằng mình làm được. Và bạn phải thực sự làm được. Sau đó, phải áp dụng nó vào trong thực tế. Đây là bước mà nhiều người hay dừng lại. Họ tránh thực tế hóa những thứ đã học được.

Tuy nhiên, để có được những sự trao đổi, góp ý xây dựng từ nhiều người, bạn phải bắt đầu tạo ra các “tác phẩm” tuyệt vời. Bạn có thể làm điều đó bất kỳ lúc nào, môi trường internet ngày nay giúp mọi người dễ dàng tạo ra nội dung và nhiều loại sản phẩm độc đáo khác.

6. Tiếp cận những người mình muốn học hỏi, nhưng đừng đòi hỏi gì cả

Như đã nói ở trên, hãy bắt chước và áp dụng cách làm của những người giỏi nhất trong lĩnh vực bạn muốn học hỏi. Khi bắt đầu gặt hái được thành quả, hãy tiếp cận những người thầy này và cho họ biết rằng họ đã tác động tích cực đến bạn như thế nào và đã giúp bạn như thế nào.

Một lưu ý là chỉ bày tỏ lòng biết ơn, chỉ phát triển mối quan hệ, chứ đừng đòi hỏi bất kỳ điều gì.

7. Trao công trạng cho những người xứng đáng

Một trong những chìa khóa thành công là khi gặt hái thành quả, hãy trao tất cả công trạng cho những người thầy của mình. Bạn sẽ không thể làm được điều gì tuyệt vời nếu không có sự giúp đỡ của người khác.

Ngay cả khi người khác không trực tiếp giúp bạn, nhưng công việc của họ giúp truyền cảm hứng hoặc giúp bạn một cách gián tiếp, bạn cũng phải ghi nhận họ. Hãy trở thành một người tử tế với những sự giúp đỡ bạn đã nhận được.

Bạn sẽ không phát triển được các mối quan hệ cần thiết để thành công lớn nếu người khác nhận xét bạn là người chỉ quan tâm đến bản thân mình.


  • 12/10/2017 04:24
  • Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
  • 1919