7 cách đảm bảo thành công cho doanh nghiệp

Duy trì doanh nghiệp ổn định và phát triển lâu dài là điều mà nhiều nhà quản lý tâm huyết luôn trăn trở. 7 kinh nghiệm sau đây có thể giúp các nhà lãnh đạo đưa doanh nghiệp đi đến thành công.

1. Xây dựng kế hoạch cụ thể trên văn bản.

Nếu không có kế hoạch, mọi dự định phát triển doanh nghiệp của bạn chỉ là một giấc mơ. Bạn cần có một kế hoạch cụ thể về các mục tiêu, chiến lược, tài chính, bán hàng và kế hoạch tiếp thị. Đặc biệt, cần xác định một khoản tiền tương ứng để có thể thực hiện được những mục tiêu đó. Xây dựng được kế hoạch cụ thể là bước đầu tiên khá quan trọng.

Hãy viết kế hoạch của bạn trên giấy (ảnh minh họa)

2. Đừng “khăng khăng” với kế hoạch ban đầu.

Kế hoạch ban đầu và thực tế triển khai đôi khi có một khoảng cách nhất định. Hoạch định kế hoạch gắn với từng thời điểm, song triển khai hoạt động lại gắn liền với thực tế. Vì vậy, cần có sự thay đổi, điều chỉnh kế hoạch, thậm chí là thay đổi cả mục tiêu đã đề ra, nhằm phù hợp với thực tiễn và quy luật phát triển. Như vậy, kế hoạch mới mang tính khả thi và đi đến thành công.

3. Lắng nghe ý kiến người khác.

Lắng nghe mọi người tư vấn, đóng góp ý kiến là rất quan trọng, bởi lẽ, bạn cần người kiểm chứng, phản hồi lại những ý tưởng của chính bạn một cách khách quan, kiểm tra những gì bạn đang làm, gợi ý và góp phần giúp cho bạn có được những ý tưởng lớn và khả thi hơn. Từ đó, giúp bạn có đủ tự tin, cũng như có cách nhìn vấn đề một cách khoa học hơn. Bạn nên nhớ rằng, hoạt động của doanh nghiệp không phải là việc của riêng cá nhân bạn, mà là công việc kinh doanh có liên quan đến nhiều người khác nữa. Bạn càng không nên để những nhận thức chủ quan lấn át. Đừng để cái tôi cá nhân quá lớn làm ảnh hưởng tới chính bạn.

Lắng nghe ý kiến của cấp dưới để kiểm chứng lại ý tưởng của mình (ảnh minh họa)

4. Kiểm soát chặt chẽ các con số.

Mọi hoạt động triển khai cần được kiểm soát chặt chẽ và phải được thể hiện rõ trên văn bản, đặc biệt là các con số, bởi lẽ các hoạt động của bạn có hiệu quả hay không, bạn có thu được lợi nhuận từ những hoạt động này hay không, sẽ được thể hiện thông qua các số liệu trong văn bản. Điều này đặt ra vấn đề là, bạn cần xây dựng đội ngũ nhân viên trung thực và chuyên nghiệp để có được sự nhất quán trong hệ thống văn bản. Ngoài ra, cần cập nhật tình hình và có sự trao đổi thường xuyên với các nhân viên về tiến độ thực hiện kế hoạch.

5. Ủy quyền cho nhân viên một số việc quan trọng.

Một quản lý giỏi không phải là người giải quyết công việc từ A tới Z, mà là người là giao việc và điều hành quá trình triển khai công việc đó một cách hiệu quả. Bạn nên phân quyền bằng cách ủy thác một số hạng mục công việc cho cấp dưới, giao cho người mà bạn thấy họ có khả năng đảm đương được. Để làm được điều này, bạn nên định hướng rõ khi triển khai kế hoạch, để nhân viên có thể hiểu rõ và triển khai đúng ý đồ của bạn.

Tận dụng internet như một công cụ truyền thông hữu hiệu (ảnh minh họa)

 

6. Tận dụng thế mạnh của Internet.

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, internet với các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, website, blog... - những công cụ truyền thông hiệu quả. Bạn cần có một số kỹ năng để có thể khai thác thông tin có lợi cho doanh nghiệp mình, cũng như xây dựng mối quan hệ với đối tác và khách hàng. Ở khía cạnh nào đó, bạn cũng có thể biến internet thành vũ khí cạnh tranh đắc lực trên thương trường.

7. Tái đầu tư cho doanh nghiệp.

Quá trình kinh doanh của bạn nhằm mục đích cuối cùng là tăng lợi nhuận, chứ không phải doanh thu đạt được trước mắt. Vì thế, bạn cần nhanh chóng tái đầu tư vào những thời điểm thích hợp, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh mới.


  • 25/04/2012 04:26
  • Thu Vân (dịch theo Entrepreneur Magazine)
  • 1908


Gửi nhận xét