Anh Cao Văn Chỉnh cùng đồng nghiệp kiểm tra thiết bị, dụng cụ an toàn lao động trước khi ra hiện trường. |
Anh Chỉnh sinh năm 1960, quê ở tỉnh Phú Yên. Sau 4 năm học nghề tại Cộng hòa Dân chủ Đức, trở về nước, anh được nhận vào làm việc tại Công ty Truyền tải điện 3 từ năm 1991. Đến năm 1995, anh được chuyển về Tổ Quản lý vận hành đường dây 110kV thuộc Truyền tải điện Phú Yên. Anh Chỉnh tâm sự: “Đó là thời kỳ vô cùng khó khăn đối với tôi. Ngoài việc hòa nhập vào môi trường làm việc mới, tôi còn phải học tập và nắm vững các quy trình, quy phạm trước khi được thao tác trên lưới điện.” Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh luôn đi sâu tìm hiểu kỹ hiện trường, xây dựng chương trình khảo sát thực địa, lên phương án thi công cụ thể, chi tiết, có tính đến các điều kiện đảm bảo an toàn lao động. Mỗi lần ra quân, anh luôn là người có mặt sớm nhất để kiểm tra hiện trường, rà soát lại sự chuẩn bị của các tổ viên từ những chi tiết nhỏ nhất, đặc biệt là kiểm tra dụng cụ bảo hộ cá nhân của từng người.
Với sự phấn đấu không biết mệt mỏi, anh Chỉnh luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Năm 2003, anh được vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 2008, anh được giao trọng trách là Quản đốc Phân xưởng đường dây 110kV trực thuộc Chi nhánh điện cao thế Phú Yên (nay là Tổ Quản lý vận hành đường dây 110kV - PC Phú Yên).
Năm 2013, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, khu vực Phú Yên có mưa lớn trên diện rộng, lũ quét về nhanh làm cho trụ néo đường dây 110kV Tuy Hòa - Quy Nhơn ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu bị sạt lở nghiêm trọng, anh Chỉnh đã trực tiếp lên phương án khắc phục, phân công nhiệm vụ từng người, bố trí hậu cần, đề xuất với lãnh đạo cho tăng cường nhân lực hỗ trợ. Đồng thời, anh tham mưu cùng với lãnh đạo đề xuất với Công ty Truyền tải điện 3 xây dựng và triển khai phương án sử dụng hệ thống cột phục hồi khẩn cấp (KEMA) dựng tạm trên một đoạn tuyến, duy trì nguồn điện từ TBA 110kV Tuy An ra TBA 110kV Sông Cầu. Anh cũng đề xuất phương án khảo sát hiện trường, chuẩn bị nguồn nhân lực mở đường vòng qua núi, tiếp cận được vị trí sạt lở, di dời đường dây cũ sang cột KEMA, đẩy nhanh tiến độ khôi phục đường dây 110kV Tuy Hòa - Quy Nhơn, đảm bảo cho lưới điện được vận hành thông suốt.
Anh Cao Văn Chỉnh (phải) giới thiệu các giải pháp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp tại huyện Sơn Hòa |
Anh chia sẻ: “Mùa mưa lũ ở miền Trung là nỗi lo của thợ đường dây. Mùa này thường xuyên xảy ra sạt lở rất nguy hiểm. Ô tô không vào được, tất cả công việc đều phải dùng sức người”. Vì vậy, tại những vị trí xung yếu, giao cắt với sông suối, khu vực thường xuyên bị sạt lở, anh luôn đánh dấu và ghi chú cụ thể trên sơ đồ, đề phòng nguy cơ có thể xảy ra sự cố bất ngờ như, lũ quét, sạt lở đất, cây đổ…
Theo anh Chỉnh, khó khăn lớn nhất trong quản lý vận hành lưới điện cao áp hiện nay là tình trạng trồng cây xanh tràn lan và xây dựng các công trình lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Tổ của anh đã và đang tiếp tục tăng cường phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền; vận động người dân địa phương không sử dụng đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.Nhờ đó, nhiều vi phạm về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đã được ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra sự cố, tai nạn liên quan đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Trong quá trình công tác, anh nhận được nhiều phần thưởng cao quí như Bằng khen của Tập đoàn EVN ; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Điện lực Việt Nam”...