Chị Giàng Thị Dung kiểm tra quản lý kỹ thuật và vận hành tại trạm biến áp 220kV Việt Trì, Truyền tải điện Tây Bắc, Công ty Truyền tải điện 1.
|
Là con thứ trong gia đình có hai chị em, bố là người dân tộc H’Mông, ngay từ nhỏ chị đã "đỡ đần" bố từ sửa công tắc điện đến sửa xe đạp... dần dần nuôi dưỡng niềm đam mê, yêu học toán và học ngành kỹ thuật điện của chị.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, chuyên ngành điện năm 2004, Dung được nhận vào công tác tại trạm biến áp 220kV Yên Bái. Trực trạm biến áp là công việc đòi hỏi tính quyết đoán, nhanh nhạy, làm việc độc lập, độ chính xác cao. Trực tiếp làm việc với những thiết bị đang mang điện, chỉ cần lơ là, nhầm lẫn là phải trả giá ngay, nhẹ thì sự cố, chấn thương và nặng thì cả cuộc sống của mình. Do vậy, Dung đã tranh thủ ngoài giờ trực, nghiên cứu thêm tài liệu, tự mày mò học tiếng Anh, theo các ca trực khác, các đồng nghiệp để bồi đắp thêm kinh nghiệm… Và cũng chính tại môi trường công tác này, chị đã gặp tình yêu của đời mình – anh cũng là một công nhân công tác cùng đơn vị. Giàng Thị Dung vừa công tác, vừa xây dựng cuộc sống gia đình, đồng thời nỗ lực đỗ trực chính vào tháng 8/2007.
Tháng 5/2015, Giàng Thị Dung được điều chuyển về công tác tại Phòng Kỹ thuật, Truyền tải điện Tây Bắc. Được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi hệ thống đo đếm, giao nhận điện năng, tính toán tổn thất toàn đơn vị (với 47 phần tử). Để việc tính toán tổn thất điện năng trên lưới điện được chính xác, chị đã nghiên cứu tài liệu về lĩnh vực này, phân định rõ tổn thất điện năng kỹ thuật và phi kỹ thuật… những yếu tố dẫn đến tổn thất điện năng tăng lên. Phải làm thế nào để qua theo dõi chỉ số các công tơ hoặc phần mềm đo xa các công tơ sẽ biết được tổn thất của các phần tử (máy biến áp, trạm biến áp, đường dây, thanh cái, lưới), và ngược lại, từ đó sẽ phát hiện các khiếm khuyết trên hệ thống đo đếm (nếu có) và xử lý kịp thời, tránh để xảy ra mất sản lượng, giúp việc quản lý vận hành được thuận lợi, việc giao nhận điện năng được chính xác. Tổn thất của các phần tử nếu lớn thì cũng chỉ khoảng 1 đến 2%, vì vậy sai số là rất nhỏ cũng ảnh hưởng tới giá trị của nó, chính vì vậy, chỉ được phép sai số của hệ thống đo đếm (sai số các công tơ cấp 0,2 và sai số của các TU, TI 0,2), ngoài ra không có bất kỳ sai số nào khác trong tính toán. Đặc thù công việc này cần sự chính xác đến chi tiết và độ sai số là rất thấp, đòi hỏi người thực hiện có trình độ chuyên môn vững, tính cẩn trọng và chịu khó trong công việc.
Khối lượng quản lý của Truyền tải điện Tây Bắc ngày càng mở rộng. Giàng Thị Dung được giao quản lý theo dõi kỹ thuật 05 trạm biến áp trong đó có 01 trung tâm vận hành với 2 trạm. Đầu năm 2019, trạm biến áp 220kV Vĩnh Tường thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc được EVN giao về cho Công ty Truyền tải điện 1 quản lý, mà trực tiếp quản lý là Truyền tải điện Tây Bắc, Giàng Thị Dung lại được lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý theo dõi kỹ thuật. Với khối lượng quản lý 06/09 trạm biến áp tương đương công suất 2.200/3.450MVA, thì quả là quá lớn so với vóc dáng nhỏ nhắn của chị. Chị còn đảm nhiệm các công việc khác liên quan 9/9 trạm biến áp của đơn vị, như: Theo dõi và đăng ký thí nghiệm định kỳ, đăng ký cắt điện thực hiện sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, khiếm khuyết, đầu tư xây dựng....;tính toán tổn thất và vận hành phần mềm MDMS toàn truyền tải; theo dõi toàn bộ phần mềm PMIS khối trạm biến áp Tây Bắc. Ngoài ra, chị còn được giao lập duyệt phương án, hồ sơ nghiệm thu các công trình của đơn vị.
Với khối lượng công việc lớn như vậy, nhưng trung bình hàng năm chị vẫn đứng tên từ 01 đến 02 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có giá trị kinh tế làm lợi hàng trăm triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, chị đã có tên trong 02 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cho trạm biến áp 220kV Vĩnh Tường và trạm biến áp 220kV Phú Thọ.
Nhận xét về Giàng Thị Dung, đồng chí Nguyễn Đức Hùng - Bí thư Đảng bộ bộ phận, Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc cho biết: “Đồng chí Dung là một đảng viên trẻ rất tâm huyết với công việc. Có giai đoạn phải thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu phục vụ tính toán tổn thất điện năng phải làm cả buổi tối, đồng chí không nề hà, làm cho xong việc mới nghỉ mặc dù con còn nhỏ, chồng công tác xa. Trong cuộc sống đồng chí rất gần gũi, hòa đồng với anh em đồng nghiệp. Chỉ có duy nhất là nữ làm kỹ thuật ở đơn vị nhưng nhiều lúc anh em thấy rất nể vì đồng chí làm việc không kém gì anh em nam, thậm chí có lúc còn hơn vì là nữ nên rất chịu khó và kiên nhẫn, tỷ mỉ”.
Hình ảnh một Giàng Thị Dung trầm tính, hơi nhút nhát, không có năng khiếu nói trước đám đông ngày nào đã không còn, giờ chị đã tự tin, làm chủ công nghệ, trực tiếp bồi huấn cho đội ngũ công nhân các trạm biến áp trong đơn vị kiến thức về quản lý và vận hành thiết bị, áp dụng các phần mềm tiện ích giúp việc quản lý vận hành được an toàn và chính xác, như: Phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, phần mềm tính toán tổn thất MDMS (trong đó có nhiều phần mềm phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt), làm việc với kho đo đếm của EVN, hướng dẫn các trạm biến áp các tính toán tổn thất phục vụ báo cáo cuối tháng…
Tôi biết, để trở thành một chuyên viên có chuyên môn vững, nắm phần lớn chỉ tiêu kỹ thuật của đơn vị, đặc biệt là vấn đề tổn thất vì đây đang là vấn đề nóng của EVNNPT, nhiều tuần liền Giàng Thị Dung đã không có ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Hết tính toán này lại tính toán khác, làm ngày, làm tối và làm cả đêm nữa.
Trả lời câu hỏi vì sao yêu kỹ thuật thế? Dung cười: Nhiều khi em thấy mình cũng “gan cóc tía” chị ạ, ngành Điện nói chung và lĩnh vực truyền tải điện nói riêng, phụ nữ học kỹ thuật đã ít, đi làm lại còn ít hơn nhiều. Hồi học đại học, lớp chỉ có 2 nữ/53 nam, đến khi đi làm thì cả trạm, cả phòng chỉ có mỗi một mình em là phụ nữ, nếu không kiên trì và nhẫn nại chắc em bỏ công việc từ lâu rồi.
Chia tay chị, đọng lại trong tôi là hình ảnh một Giàng Thị Dung nhỏ nhắn, hết lòng vì công việc và đặc biệt là tình yêu kỹ thuật và những con số. Năm nay, con trai lớn của chị đã vào lớp 7, con trai út vào lớp 3. Cả hai cháu đều là học sinh giỏi nhiều năm của trường. Với tính chất công việc, chồng chị vẫn phải công tác xa nhà mỗi đợt từ 4 – 5 tháng, có khi một tháng mới về qua nhà. Chị vẫn cố gắng vẹn toàn việc nhà, việc cơ quan để chồng yên tâm công tác.
“Trong xu thế giảm định biên của Nhà nước, yêu cầu phải nỗ lực gấp bội, nhưng ko vì thế mà em nản lòng. Một trong những điều em rút ra được khi làm việc là hãy chân thành học hỏi, truyền cảm hứng và những gì mình biết đến tất cả mọi người, thì dù mình làm việc gì, hay đứng ở vị trí nào mình vẫn thành công mà thôi’’– là những chia sẻ của Dung với tôi lúc chia tay.
Mùa hạ vùng cao đã qua, chớm thu với những tia nắng vàng như mật ong đang trải dài trên những sườn đồi chạy xa tít tắp. Những hàng cột điện sừng sững, vững chãi đang truyền nguồn điện năng vươn cao, vươn xa, truyền nguồn sáng, truyền niềm tin đến những bản làng xa xôi nhất, đem cuộc sống ấm no đến với mọi miền. Và trong niềm vui ấy, nguồn năng lượng ấy, có sự đóng góp của em – người con gái dân tộc H’Mông, đảng viên trẻ, nữ kỹ sư yêu kỹ thuật của Công ty Truyền tải điện 1 – Giàng Thị Dung!
Tác phẩm "Nữ kỹ sư dân tộc H’Mông yêu kỹ thuật" của tác giả Hồng Hoa đã đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi viết "Gương sáng tiêu biểu ngành Điện" năm 2019. |