Ba tôi luôn miệt mài với công việc hàng ngày.
|
Tự hào về nghề của ba
Nếu có ai hỏi tôi: Tôi tự hào về ai nhất? Tôi trả lời ngay, không ngần ngại là: Ba tôi – Người thợ điện. Bài văn thời tiểu học tả về “Nghề nghiệp của ba em”, tôi đã viết với tình cảm nồng cháy, lời văn chứa chan tình yêu của con trẻ về người cha của mình. Đến bây giờ, những cảm xúc khi viết về bài văn đó vẫn còn nguyên vẹn, đi theo tôi suốt cuộc đời. Đến hôm nay, những hình ảnh ba tôi gắn bó với nghề cùng sự hy sinh, cống hiến đã thôi thúc tôi viết về ba - một người thợ điện bình thường nhưng luôn nỗ lực phấn đấu vì dòng điện sáng.
Nghề “Làm dâu trăm họ”
Tôi tự hào về nghề của ba tôi - một nghề vất vả, dãi nắng, dầm mưa - nghề “làm dâu trăm họ”. Quả không sai chút nào, đó là một nghề đầy nhọc nhằn, nguy hiểm nhưng rất có ý nghĩa cho xã hội. Hình ảnh người thợ điện trong màu áo cam có lẽ đã quá quen thuộc với người dân ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng sâu đến hải đảo, từ đồng bằng đến biên giới, trên những tuyến phố đến những con đường làng. Những người thợ điện áo cam ở đó để kéo dây, dựng trụ, bảo trì, sửa chữa sự cố về điện… không kể ngày đêm, mưa lũ. Nhưng đằng sau màu áo cam thân thương và đầy mồ hôi ấy, đằng sau công việc vất vả tưởng như luôn khô khan ấy thì ít ai biết họ là những người đàn ông đích thực, đáng mến và đa tài như thế nào. Họ thầm lặng từng ngày, từng giờ đánh đu trên các hàng trụ điện cao mặc hiểm nguy có thể đến lúc nào không hay. Họ bám sát từng đường dây, từng trạm biến áp để đảm bảo sự vận hành an toàn cho dòng điện. Làm thợ điện, thật sự mà nói nếu không có chữ “Tâm” và lòng yêu nghề thì rất khó trụ. Chỉ có lòng yêu nghề, họ mới làm được như thế mà thôi.
Dù mưa hay nắng, dù ngày hay đêm, ba và các đồng nghiệp vẫn kiên trì nhẫn nại với công việc của mình để khắc phục, sửa chữa lưới điện, để sớm cấp điện trở lại cho người dân. Hình ảnh người thợ điện áo cam lúc ấy với những giọt mồ hôi rơi đã trở thành những hình ảnh đẹp đẽ vô cùng và trong mắt người dân địa phương, họ như những người anh hùng giữa đời thường.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở miền Tây Nam Bộ, ba tôi phải bươn trải từ nhỏ nên luôn quý trọng giá trị sức lao động. Ngay từ nhỏ, ông đã mê mẩn các dụng cụ bằng điện và mày mò tự sửa chữa nhiều thiết bị cho gia đình. Bắt đầu từ ngày 02/05/1983, ba tôi được vinh dự làm việc trong ngành Điện, ông luôn đam mê, nỗ lực hết mình trong công việc. Nhiều lúc ba đã về đến nhà, mới bưng chén cơm tối lên nhưng lại có điện thoại, sự cố xảy ra, chưa kịp ăn đã phải buông đũa đến hiện trường. Đồng nghiệp quý ba tôi không chỉ bởi sự tận tâm với nghề mà còn ở sự chân chất, thật thà của một người nông dân làm nghề thợ điện. Hình ảnh ba ngày ngày tận tụy với nghề như khắc sâu vào trong trí nhớ trẻ thơ của tôi, cho đến bây giờ mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống tôi lại nhớ về hình ảnh ấy và mỉm cười vì nó mang lại nguồn năng lượng tích cực cho tôi đương đầu với những thử thách phía trước.
Người đàn ông của gia đình và lối xóm
Ba tôi, tuy bận rộn với công việc của nghề thợ điện, nhưng là người nghiêm khắc với con cái, thường theo dõi tình hình học tập của con. Ba là người kiệm lời nhưng đã nói là làm. Chính vì vậy, hai anh em chúng tôi luôn được đối xử công bằng, chưa bao giờ bị áp lực phải trở thành thế này thế nọ. Và chúng tôi, cứ nhìn cách ba mẹ sống mà trưởng thành. Ông không thích văn thơ, ít nói chuyện, nhưng lại có nhiều tài vặt. Tự tay ông sửa chữa nhà bếp, sân vườn, làm hàng rào, sửa chữa đồ dùng trong nhà… Tôi thấy ông luôn cặm cụi làm không ngơi tay, làm việc này xong rồi đến việc khác. Tuy bận, nhưng mỗi khi nhà hàng xóm có việc nhờ ba tôi thì ông qua làm ngay.
Cả xóm tôi ngày ấy, chỉ có ba tôi làm nghề thợ điện. Hồi nhỏ, tôi hay chạy theo xách đồ nghề giúp ba đi sửa điện cho hàng xóm. Mỗi khi sửa xong, tôi rất tự hào khi thấy ba nhận được lời cảm ơn chân tình từ những người hàng xóm. Nụ cười thân thiện và lời cảm ơn chân thành của những người xung quanh giúp tôi hiểu nghề điện thật cao quý. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa khi nào ông nhận tiền sửa điện mỗi khi hàng xóm nhờ. Bất kể thời gian bận rộn, nhưng ông vẫn tranh thủ giúp sửa chữa cho nhà hàng xóm từ cái ti vi, cái quạt đến cái máy bơm, nồi cơm điện… Nhiều khi thấy họ dúi tiền vào túi, nhưng ông kiên quyết không nhận. Thấy tôi thắc mắc, ông bảo: “Tình cảm hàng xóm, láng giềng là cái chân tình, quý nhất. Mình giúp được gì thì giúp. Có nghề trong tay, mình không giúp thì họ biết nhờ ai?". Tôi càng thấm thía, tiền quan trọng thật nhưng đẹp hơn vẫn là tình người.
Ba tôi là người đàn ông trụ cột của gia đình. Lúc còn nhỏ, điều tôi thích nhất là sau những buổi tối trực ban đêm, khi về đến nhà, ba thường mua cho hai anh em chúng tôi món ăn vặt, khi là những ổ bánh mì giòn tan và thơm ngon luôn có sức quyến rũ với dạ dày, khi là một gói xôi lá cẩm với hương vị quyến rũ của lá dứa, khi là bọc trứng cút còn nóng hổi… Hai anh em chúng tôi giành nhau ăn thật ngon lành mà không để ý đến những giọt mồ hôi còn trên trán và đôi mắt thâm đen, đầy mệt mỏi của ba. Đôi khi tỉnh giấc giữa đêm mưa lạnh giá, tôi vẫn thấy ba cặm cụi ngồi sửa chữa những đồ điện ông nhận làm thêm. Có khi ba thấy tôi thức giấc, ông bỏ dở công việc, nhẹ nhàng đắp lại cái màn, đắp lại cái mền cho con được ấm, rồi lẳng lặng mày mò với cái động cơ đang quấn dở. Với vẻ ngoài nghiêm khắc, tình cảm của ba chỉ thể hiện âm thầm qua công việc, qua những hành động thực tế…
Sau hơn 35 năm công tác, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen nổi bật như: Công nhân lao động giỏi tiêu biểu cấp Công đoàn EVN năm 2018; Công nhân lao động giỏi tiêu biểu cấp Công đoàn Tổng công ty năm 2016; Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2015, 2017; Bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng; Giấy khen CĐCS Công ty Điện lực Sóc Trăng năm 2018, Sáng kiến năm 2017: Dùng móc chuyên dụng và dụng cụ lòn cáp nài qua trụ để nâng tạm trụ…
Nối nghiệp của ba
Ba thường bảo chúng tôi: “Theo nghề là phải tận tậm với nghề”. Đó cũng chính là lý do mà anh em chúng tôi đã nối nghiệp của ông. Tôi đã từng có ước mơ trở thành một thầy giáo để dạy cho các bé ở vùng sâu, vùng xa; cũng từng có định hướng trong đầu tôi, mai sau trở thành một chuyên viên ngân hàng, nhưng cuối cùng tôi lại chọn ngành Kế toán, có tính cẩn thận, chi tiết của ba, trở thành một thành viên của "đại gia đình EVN". Ba tôi có 2 người con trai. Cả 2 anh em cũng đều chọn làm nghề điện. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó, trong cả nước có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp, chưa tìm kiếm được cơ hội việc làm. Có người nhiều năm vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo, đành làm công nhân trong các khu công nghiệp để kiếm sống và đỡ gánh nặng cho gia đình. Còn tôi và anh hai thì đã chọn ngành Điện để nối nghiệp ba - một người đã là thần tượng của chúng tôi khi còn nhỏ. Tôi hiện nay là nhân viên kế toán của Điện lực Trần Đề, còn anh hai của tôi hiện nay đang công tác tại Phòng Kế hoạch – Vật tư Công ty Điện lực Sóc Trăng.
Ba tôi thường nói với hai anh em chúng tôi: “Được vào công tác tại ngành Điện, góp sức cho dòng điện không ngừng vươn xa tới những vùng sâu của đất nước - đây là vinh dự lớn trong cuộc đời”. Tôi muốn viết lên dòng cảm xúc của mình về ba, về nghề thợ điện, về công sức đóng góp của ba và những người thợ điện chung sức cho dòng điện, về những khó khăn, vất vả mà những người thợ điện ngày đêm ra sức bảo toàn sự thông suốt cho dòng điện quê hương, cho tương lai mai sau. Đó chính là tình yêu, lòng tự hào của tôi dành cho ba - một người thợ điện bình dị đã cống hiến toàn bộ cuộc đời của mình cho tình yêu nghề. Tôi tự hào về ba, tự hào về những người thợ điện, về vẻ đẹp của họ toát ra từ những hành động bình dị giữa đời thường, về sự yêu mến quý trọng của những người xung quanh và sự khâm phục của đồng nghiệp với ba tôi. Ba với bao nhiêu người thợ điện khác đã xây dựng lên hình ảnh đẹp của người thợ điện Việt Nam hôm nay.
Tác phẩm "Nghề của ba" của tác giả Trần Hoàng Duy đã đạt giải Nhất tại cuộc thi viết "Gương sáng tiêu biểu ngành Điện" năm 2019. |