Áo cam lặng lẽ giữa đại ngàn

Mùa mưa Tây Nguyên, sự cố lưới điện do thời tiết gây nên thường nhiều hơn mùa khô. Có khi do gió lốc mạnh khiến cây cối đổ vào đường dây làm gãy trụ điện hay sét đánh đứt dây, vỡ sứ… thậm chí có cả trường hợp rắn, tắc kè bò lên TBA “trú mưa” cũng gây mất điện. Và, những sắc áo cam của thợ điện cứ lặng lẽ, đội nắng đội mưa khắc phục sự cố, để ánh điện nơi biên cương luôn sáng.

Chẳng có mùa nào “rảnh” với ông trời

“Nắng thì quá tải, mưa thì sự cố, chẳng có mùa nào thợ điện rảnh được với ông trời” là tâm sự của anh Nguyễn Ngọc A (sinh năm 1967), đang làm việc tại Điện lực Nam Buôn Ma Thuột - Công ty Điện lực Đắk Lắk về thời tiết khắc nghiệt nơi đại ngàn đã “làm khó” những thợ điện.

Tháng Giêng, mùa khô ở Tây Nguyên đã bắt đầu với những đợt nắng nóng kéo dài. Xử lý sự cố điện vào mùa khô, thợ điện phải làm việc dưới cái nắng như đổ lửa. “Thế nhưng, thợ điện Đắk Lắk lại rất sợ mùa mưa” - Anh Ngọc A cho biết và chia sẻ thêm: “Mùa mưa Tây Nguyên kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, sự cố cũng nhiều hơn so với mùa khô. Vì vậy, để có thể xử lý nhanh các sự cố, thợ điện, ngoài 8 giờ  hành chính còn phải trực theo ca, xử lý nhanh các sự cố bất thường trên lưới điện”.

Đặc biệt, vào mùa mưa, việc đi lại khó khăn mà sự cố thì luôn “rình rập”. Anh Phạm Minh Tuấn - Trực ban của Điện lực Cư M’gar không quên kỷ niệm về sự cố mất điện tại Trại giam Đắk Trung (Thôn 6, xã Eakpam, huyện Cư M’gar) vào một đêm mưa năm 2016. Đêm đó, khi đang ngồi trực tại Văn phòng, chuông điện thoại đổ dồn, ngoài trời mưa rất to, kèm gió lốc liên hồi, anh Tuấn chỉ nghe loáng thoáng từ đầu dây bên kia “mất điện, mất điện” rồi cuộc gọi đứt quãng.... Mãi đến cuộc gọi thứ 3, anh mới hiểu: “Toàn bộ Trại giam Đắk Trung bị mất điện. Đề nghị Điện lực cho người vào xử lý sự cố”. Với khu vực nhạy cảm này, dù trời đã khuya, anh Tuấn và một công nhân trực ca tức tốc đến Trại giam. Thế nhưng, vì mưa gió, cũng phải mò mẫm di chuyển gần 2 giờ, anh em mới tới nơi. Sau khi kiểm tra, phát hiện công tơ điện bị sét đánh cháy hoàn toàn, hai anh em khẩn trương thay công tơ, cấp điện trở lại. Cán bộ Trại giam lập tức kiểm tra số lượng tù nhân. Chỉ khi nghe cán bộ báo cáo “sĩ số đủ,” mọi người mới thở phào, nhẹ nhõm.

Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk khắc phục sự cố lưới điện do mưa bão gây ra 

Gặp bà con là…hết mệt

Nghề thợ điện vốn vất vả, chẳng có ngày nghỉ, ngày lễ, lại luôn luôn sẵn sàng lên đường xử lý sự cố, nhưng đối với thợ điện vùng biên, công việc này đã “ngấm vào máu”. Hơn nữa, “phải cố làm cho tốt, vì đó là nghề nuôi sống mình cơ mà” - anh Nguyễn Văn Duẩn, công nhân QLVH lưới điện, Điện lực Ea Súp, Công ty Điện lực ĐắkLắk chia sẻ về công việc mình đã gắn bó rất nhiều năm. Gần 20 năm làm việc, không thể nhớ hết, đã bao lần đi khắc phục sự cố, nhưng mỗi lần tiếp xúc với người dân Tây Nguyên, chứng kiến niềm vui của mọi khi trong nhà điện sáng trở lại, vẫn là những  khoảnh khắc đặc biệt của anh Duẩn và đồng nghiệp. 

Anh kể: “Có lần anh em đi lắp điện cho một hộ dân ở buôn Hdơk xã EaKao, chủ nhà là người Êđê, khi thấy chúng tôi đến, mang ra ấm nước lá vối rót mời chúng tôi. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn sạm nắng ở cái tuổi ngoài 60 của bác toát lên vẻ hiền hậu dễ gần. Bác nói: “Trời nắng quá, làm từ sáng đến giờ vất vả rồi, các chú uống nước đi rồi hãy làm, miễn sao trong ngày hôm nay nhà tui có điện là được rồi! Bữa nay mắc điện nhanh đấy, mới nộp đơn hôm qua mà hôm nay các chú đã đến…” Chỉ một câu nói đơn giản thôi, bác đã làm anh em tôi thấy rất vui, khỏe ra và càng  yêu nghề hơn”.

Niềm vui của anh thợ điện Nguyễn Minh Sanh, Tổ trưởng Kiểm tra mua bán điện, Điện lực Ea Súp, PC Đăk Lăk là khi được tiếp xúc và hiểu rõ hơn về những khách hàng đặc biệt ở Tây Nguyên. Anh Sanh nhớ về kỷ niệm khi đi kiểm tra công tơ tại các hộ gia đình. “Thấy anh em chúng tôi, một cụ bà còn bảo anh em vào sửa công-ten-nơ (xe chở hàng). Anh em giải thích: “Không anh em chúng cháu chỉ vào kiểm tra công tơ điện chứ không phải công ten nơ chở hàng đâu, bà ạ!” Thế nhưng từ đó, mỗi lần thấy chúng tôi, bà con vẫn không sửa được cái tên thường gọi “công-ten-nơ, công-ten-nơ vào nữa kìa…” Gọi dần thành quen, khi công việc bận rộn, mệt mỏi, chúng tôi lại đùa: “Phải cố gắng vì mình là công-ten-nơ mà!” (cười)

Tuy công việc vô cùng vất vả, nhưng nụ cười hồn nhiên của những  người thợ điện nơi đây đã giúp họ quên đi cái khắc nghiệt của thời tiết, cái đáng sợ của thiên tai. Hành trình “cõng” điện lên non, nối dài cung đường ánh sáng, mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho người dân vùng biên nhờ bàn tay, khối óc của những thợ điện Công ty Điện lực Đắk Lắk thật đáng trân trọng và tự hào. 


  • 20/09/2019 10:47
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1239