Khó khăn không nản lòng

Bất chấp cái nóng hầm hập và dòng xe cộ đông đúc trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1, TP HCM), anh Huỳnh Hữu Phúc, Phó Phòng Kỹ thuật Công ty Truyền tải Điện 4, vẫn miệt mài hướng dẫn các kỹ sư, công nhân (CN) nối cáp. Luôn có mặt ở các điểm nóng để đốc thúc, giải quyết kịp thời các sự cố, nhiều năm qua, anh Phúc luôn trở thành chỗ dựa tinh thần của đồng nghiệp.

Sáng kiến từ thực tiễn

Anh Phúc kể vào những năm 1980, có 3 ngành nghề mà học sinh THPT ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định lựa chọn khi thi đại học là điện, cơ khí và xây dựng. Ai thích cơ khí, xây dựng thì chọn ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, còn học điện thì thi vào Bách khoa TP HCM. Bản tính thích khám phá, lại sẵn đam mê ngành Điện từ nhỏ nên anh quyết định thi vào ĐH Bách Khoa TP HCM.

Anh Huỳnh Hữu Phúc (phải) hướng dẫn công nhân nối cáp ngầm 220 kV Nhà Bè - Tao Đàn

Năm 1992, anh Phúc tốt nghiệp đại học và vào làm tại Công ty Truyền tải Điện 4 cho đến nay. 27 năm gắn bó cùng công ty, 15 sáng kiến do người kỹ sư này thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển của đơn vị.

Trò chuyện với chúng tôi, Phúc cho biết anh tâm đắc nhất với sáng kiến "Phương án tối ưu phục vụ công tác xử lý sự cố đường cáp ngầm 220 kV Nhà Bè - Tao Đàn tại hộp nối JP1 pha C". Khi phóng điện 220 kV từ lõi dẫn điện ra vỏ kim loại của hộp nối, xuất hiện hồ quang nhiệt lượng sinh ra và khí, làm vỡ hộp nối dẫn tới cách điện XLPE của cáp xung quanh mối nối bị hỏng. Để khắc phục sự cố này, anh đã lên 2 phương án: Xây dựng 1 gầm nối phụ gần khu vực hầm nối JP1 hiện hữu hoặc thay đường cáp mới.

Sau khi so sánh 2 phương án trên, anh đề xuất lựa chọn phương án 2 để xử lý sự cố vì có nhiều ưu điểm vượt trội, cụ thể là thời gian xử lý sự cố nhanh (khoảng 10 ngày), không phải bỏ chi phí xây dựng 1 hầm nối phụ, không gây cản trở giao thông. Khi triển khai thực hiện, phương án này đã giúp công ty tiết kiệm chi phí thi công mới 1 hầm cáp phụ và chi phí đào mới 60 m đường để đặt ống HDPE khoảng 1 tỉ đồng.

Truyền đam mê cho thợ trẻ

Làn da rám nắng đặc trưng, đặc biệt là ánh mắt luôn thể hiện sự quyết đoán và tình yêu nghề nghiệp. Nhớ lại những tháng ngày xử lý sự cố, anh Phúc cho biết: "Điện là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống nên rất khó tính ra giá trị làm lợi bao nhiêu. Thế nhưng, chỉ cần thiếu điện một ngày là nhiều hoạt động đều ngưng trệ. Do vậy, bất chấp khó khăn, thử thách, từ lãnh đạo công ty đến từng anh em công nhân đều hạ quyết tâm phải khắc phục sự cố càng sớm càng tốt".

Với anh Phúc, chuyện phải bỏ dở bữa cơm để xuống hiện trường hỗ trợ anh em công nhân xử lý sự cố là "bình thường". Công ty Truyền tải Điện 4 phụ trách điện cho 19 tỉnh, TP khu vực phía Nam, áp lực công việc và thử thách không hề nhỏ, song anh Phúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong 10 cá nhân đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019, anh Phúc là người lớn tuổi nhất (sinh năm 1968) và hết sức chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho thợ trẻ. Ngoài biên soạn quy trình vận hành công nghệ mới, anh còn tận tình hướng dẫn chuyên môn cho đồng nghiệp. Không chỉ vậy, anh còn góp công khá lớn trong việc tuyển chọn, huấn luyện công nhân tham dự Hội thi thợ giỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đạt giải Ba (năm 2014) và giải Nhất (năm 2017).

Ông Bùi Quang Thành, Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải Điện 4 cho biết: Suốt 27 năm làm việc tại công ty, anh Phúc có hàng chục sáng kiến, cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp. Ngoài niềm đam mê và óc sáng tạo, anh còn là người biết truyền nhiệt huyết nghề nghiệp cho thợ trẻ, giúp họ trưởng thành hơn. Điều đáng trân trọng hơn cả là anh Phúc không tự hài lòng với chính mình, trái lại anh luôn khiêm tốn, học tập không ngừng. Giải thưởng Tôn Đức Thắng chính là phần thưởng xứng đáng dành cho anh Phúc.


  • 21/08/2019 07:57
  • Nguồn: nld.com.vn
  • 1130