Chuyện kể về sự tử tế

Đó là câu chuyện về hành trình tìm người đánh rơi để trả lại số tiền hơn 20 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh – Nhân viên giao dịch Điện lực Vạn Ninh (Công ty Điện lực Khánh Hòa).

Tình cờ, tôi biết đến chị Linh qua câu chuyện về việc trả lại tiền nhặt được cho những người thợ xây đi làm xa dành dụm gửi về cho gia đình trong dịp Tết 2 năm trước đây. Đúng ngày tiễn ông Táo về trời - hai mươi ba tháng Chạp, trên đoạn đường đi làm về nhà, chiếc xe máy của chị Linh đụng phải một gói màu đen và gây ra tiếng động ở bánh sau. Tưởng bánh xe bị hỏng, chị dừng lại thì thấy gói màu đen đó bị rách ra, bên trong có tiền. Chị cố gắng kiếm tìm người đánh rơi để trả lại nhưng không nhìn thấy bất kỳ ai trên đoạn đường đó. Sau đó chị Linh đành mang gói tiền về nhà mà lòng trĩu nặng…

Về nhà mở gói ra xem kỹ thì chị Linh bất ngờ với số tiền hơn hai mươi triệu đồng cùng với chi chít những cái tên, ngày công làm việc, tiền ứng trước, tiền còn thừa…và đặc biệt số tiền đã được chia nhỏ, gói ngay ngắn và được ghi rõ họ tên của từng người. Chị đoán biết, đó là tiền công của một nhóm thợ đang làm việc tại địa phương. Ngay sau đó, chị đã đăng thông tin lên facebook cá nhân để tìm chủ nhân của gói tiền nói trên.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (áo trắng) – Nhân viên giao dịch Điện lực Vạn Ninh cần mẫn với công việc hàng ngày của mình

Ban đầu, việc tìm kiếm không dễ dàng. Thông tin trên trang cá nhân của chị Linh được chia sẻ rộng rãi và nhanh chóng nên đã có rất nhiều số điện thoại gọi tới chị xin nhận lại số tiền, tuy nhiên tất cả đều không phải là chủ nhân thật sự của gói tiền đó. Mãi cho đến bốn ngày sau đó, tức hai mươi bảy Tết, có một người đàn ông gọi cho chị Linh vào lúc 12h đêm. Với giọng nói gấp gáp, người này kể cho chị nghe việc ông đi nhờ xe và đánh rơi gói tiền vào đúng thời gian và địa điểm mà chị Linh đã nhặt được. Đây là đợt lương cuối cùng trong năm mà ông chủ đã tin tưởng giao cho ông để gửi lại cho anh em trong nhóm thợ xây đang làm việc tại Tuy Hòa. Toàn bộ nhóm thợ này đều đang cư trú tại Dục Mỹ - thị xã Ninh Hòa – Khánh Hòa.

Người đàn ông cho biết: Ở quê nên ông đâu biết dùng mạng, cái mà người ta gọi là facebook. Nhưng rủi mà cũng may, vợ ông đi chợ, kể với một người bán vải về sự cố mất tiền của ông. May mắn thay, người chủ sạp vải lại biết được thông tin về “gói tiền màu đen” mà chị Linh đang đăng tin tìm kiếm chủ nhân. Biết được điều này ông mừng rơi nước mắt và ngay lập tức tìm cách liên lạc với chị Linh.

Ông kể tiếp: Sau khi phát hiện ra gói tiền đã bị rơi trên đường đi nhờ xe từ Tuy Hòa về nhà ở Ninh Hòa, ông đã thuê xe thồ chạy đi chạy lại nhiều lần trên đoạn đường đó mong tìm lại được gói tiền đã đánh rơi. Nhưng tìm mãi mà vẫn không thấy, ông đành về nhà mà lòng rối bời. Ông càng khó xử hơn khi anh em nhóm thợ xây cho rằng ông đã gian dối họ. Danh dự của ông cũng bị đánh rơi theo “gói tiền màu đen” trong buổi chiều hai mươi ba Tết.

Ông kể vanh vách cho chị Linh nghe về số tiền chính xác trong gói cùng với tên từng người thợ và tiền lương cụ thể của họ. Với từng ấy thông tin, chị Linh tin chắc rằng người đàn ông này chính là chủ nhân của “gói tiền màu đen” mà chị đã cất công tìm kiếm mấy ngày nay.

Do không ngủ được vì bồn chồn, xúc động, đúng 4 giờ sáng hôm sau, người đàn ông đã có mặt tại nhà chị Linh để nhận lại số tiền đánh rơi. Được chị Linh trao lại gói tiền, ông xúc động mừng rơi nước mắt. Ông nghẹn ngào cảm ơn chị Linh đã trả lại cho ông một khoản tiền lớn là thu nhập của những người thợ trong nhóm của ông và đã giúp ông tìm lại được danh dự của chính bản thân mình đối với mọi người xung quanh.

Vốn dĩ chị Linh là người ít nói nên tôi phải mất khá nhiều thời gian để thuyết phục chị chia sẻ câu chuyện của mình. Chị nói rằng việc trả lại tiền nhặt được không đáng để kể lại và chị chỉ làm đúng việc mà mọi người đều sẽ làm là khi nhặt được tài sản đánh rơi là tìm cách trả lại cho người mất. Suy nghĩ của chị Linh thật đơn giản nhưng cũng thật đáng trân trọng.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp những nghĩa cử tốt đẹp, thấm đẫm tình người từ những người xa lạ. Những con người xa lạ đó đều có một điểm chung là họ đang sống một cách tử tế. Nhưng sự tử tế trong mỗi người chúng ta không tự nhiên mà có, nó phải được hình thành từ tác động của những việc làm tốt đẹp đến từ cộng đồng. Xã hội luôn tôn vinh những tấm gương người tốt việc tốt, những người có tấm lòng tốt đẹp như chị Linh trong câu chuyện trên đây, qua đó lan tỏa một quan niệm sống về sự tử tế: Mỗi người cần trân trọng và cố gắng làm những điều tốt đẹp cho những người xung quanh.


  • 15/05/2019 02:33
  • Nguồn: EVNCPC
  • 3536