Từ bối rối vì công nghệ mới…
“Công nghệ mới, ban đầu cũng… ngại lắm” - đó là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Hiếu, công nhân Đội quản lý điện khu vực 5, Công ty Điện lực Ba Đình, người có thâm niên 40 năm công tác trong ngành Điện. Là công nhân "gạo cội", đã kinh qua đủ khó khăn của người thợ điện, thế nhưng, khi tiếp xúc với công nghệ mới, ông cũng như những đồng nghiệp lớn tuổi khác vẫn gặp không ít "bối rối".
Chia sẻ về những ngày đầu thay đổi cách ghi chỉ số công tơ từ thủ công sang phương pháp đo bằng camera kết hợp máy tính bảng, ông Hiếu bộc bạch: “Không như lớp trẻ bây giờ tiếp xúc với công nghệ từ bé, chúng tôi ít sử dụng máy tính bảng hay camera nên khi công nghệ mới được áp dụng không tránh khỏi bỡ ngỡ, cũng có đôi chút ngại ngần...”.
Ông Phạm Ngọc Hiếu (trái) và đồng nghiệp ghi chỉ số công tơ bằng camera và máy tính bảng.
|
Nhằm nâng cao chất lượng cung cấp điện và dịch vụ chăm sóc khách hàng, EVNHANOI đã áp dụng nhiều công nghệ như phương pháp ghi lưu dòng rò từ xa theo thời gian thực, hệ thống quản lý khách hàng dùng điện, hệ thống thu thập dữ liệu từ xa… Việc tiếp nhận thông tin cấp điện mới cho khách hàng được thực hiện trực tuyến qua nhiều kênh như: Website của Tổng công ty, website của Trung tâm Chăm sóc khách hàng, ứng dụng chăm sóc khách hàng trên smartphone...
Với hàng loạt những ứng dụng mới nên không khó hiểu khi ông Hiếu và nhiều thợ điện lớn tuổi khác phải nỗ lực hết mình để không bị công nghệ "bỏ lại" phía sau.
“Lần đầu tiên đi ghi chỉ số điện công nghệ mới, tôi cầm máy tính bảng, cậu đồng nghiệp trẻ cầm camera. Khi cậu ấy chụp camera vào công tơ thì tôi thấy hiện số trên máy tính bảng nên cập nhật con số ấy nhưng quên bấm chụp để lưu. Đi được vài cột rồi, load lại ảnh xem mới phát hiện mình chưa bấm chụp, thao tác thiếu mất một khâu. Thế là chúng tôi phải vòng ngược lại, chụp từ đầu”, ông Hiếu chia sẻ về kỷ niệm "lần đầu tiên" ấy.
Cái “mất” chủ yếu là thời gian học và làm quen lâu hơn đội trẻ một chút, còn cái được của công nghệ mới, như những thợ lớn tuổi chia sẻ, không chỉ là sự thuận tiện mà còn là thái độ tích cực từ phía khách hàng.
…đến hạnh phúc hơn vì được khách hàng ủng hộ, tin tưởng
Ông Phạm Trọng Hùng, Đội phó Đội quản lý điện khu vực 5, PC Ba Đình cho biết: “Với công nghệ mới, chúng tôi có thể kiểm tra, giám sát chỉ số tốt hơn. Trong quá trình đi ghi có hệ thống cảnh báo luôn nên những hộ có chỉ số bất thường được hiển thị ngay. Từ dữ liệu đó, chúng tôi có thể lọc ra rồi kiểm tra lại ngay lập tức. Trước kia, chúng tôi phải mang về xong phải ngồi đối chiếu, rất mất thời gian. Nhưng giờ làm đến đâu, máy báo đến đấy, mình có thể kiểm tra lại nhanh chóng, kịp thời”.
Từ khi áp dụng công nghệ quản lý khách hàng và khách hàng đăng ký lắp công tơ mới qua internet, tốc độ thiết kế, lắp đặt cũng tăng nhanh. Theo ông Hùng, khi khách đăng ký lắp đặt mới trên mạng, thợ điện chỉ cần tải dữ liệu về máy tính bảng là có dữ liệu thông tin để đến thiết kế. Mọi thông tin đã được điền đầy đủ nên khách hàng lẫn thợ điện đều không phải đi lại nhiều, nhanh gọn hơn. Hay như với việc ghi chỉ số, trước đây, các thợ điện phải bắc thang để đọc chỉ số từ công tơ điện, mỗi cột cần tới 2 người, một người trèo lên cột đọc chỉ số công tơ, một người ở dưới ghi. Nhưng nay, chỉ cần một thợ điện đứng cách hộp công tơ điện khoảng 5m đã có thể ghi chỉ số một cách chính xác và rõ ràng nhờ thiết bị HANDHELD UNIT (HHU).
Ông Vương Quốc Thắng làm việc bằng phần mềm ứng dụng trên máy tính.
|
Với ông Vương Quốc Thắng, nhân viên Phòng Điều độ vận hành, PC Ba Đình đã có 38 năm công tác, việc thay đổi công nghệ, thiết bị mới hiện đại giúp ông và các đồng nghiệp thuận tiện hơn trong quá trình thao tác, sửa chữa. Chỉ cần nhìn sơ đồ có đèn báo, có thể xác định tương đối chính xác khu vực đang gặp sự cố, để từ đó kịp thời đến sửa chữa, rút ngắn hết mức thời gian mất điện.
Là Đội trưởng Đội quản lý điện khu vực 5, PC Ba Đình, ông Đào Văn Ngọc nhận định, chính nhờ áp dụng các công nghệ, cách làm mới nên khách hàng bây giờ thiện cảm hơn với thợ điện. Trước kia, thợ điện luôn bận bịu tập trung ghi chép các con số, nhiều khi không có thời gian trò chuyện với khách hàng. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi. Họ có thể vừa làm việc vừa giao lưu với khách hàng mà vẫn đảm bảo con số chính xác. Các thợ điện cũng luôn sẵn sàng tư vấn cho khách hàng nhiều dịch vụ mới như trích nợ tự động, lên mạng tra cứu chỉ số hàng tháng, làm hợp đồng online… giúp khách hàng bớt thời gian, công sức trong quá trình tương tác với ngành Điện.
“Khi áp dụng công nghệ ghi chỉ số điện mới, vài tháng đầu, một số khách hàng yêu cầu kiểm tra độ chính xác. Nhưng khi đưa camera lên, họ được nhìn luôn chỉ số bên dưới, dần dần vài tháng họ cảm thấy tin tưởng, yên tâm hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẵn sàng hướng dẫn các dịch vụ mới, hay cho họ số điện thoại cá nhân để hỗ trợ khi gặp sự cố về điện. Sự ủng hộ, tin tưởng của khách hàng mang đến niềm vui không nhỏ cho những người thợ điện chúng tôi”, ông Ngọc bộc bạch.
“Mình lớn tuổi càng cần làm gương để lớp trẻ noi theo, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, tăng uy tín của EVNHANOI nói riêng, của EVN nói chung", tâm sự của ông Ngọc cũng là suy nghĩ chung của những người thợ điện già. Dù chỉ một vài năm nữa là về hưu nhưng những thợ điện "lão làng" của PC Ba Đình đều tâm niệm rằng, già hay trẻ đều luôn phải học hỏi tăng cường kiến thức mới ứng dụng cho công việc, cuộc sống.