Quảng Trị: Gian khó người thợ điện vùng cao

Để đưa ánh sáng đến với bà con vùng cao huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - địa phương giáp với nước bạn Lào là một quá trình gian khó của người thợ điện. Đây không chỉ là công việc được giao mà còn là trách nhiệm, tình yêu thương, “đưa cái văn minh” đến với đồng bào nơi đây.

Theo chân anh Thái Tăng Đạo - Đội trưởng Đội quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng, cùng những người công nhân thuộc Đội quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng - Điện lực Khe Sanh (huyện Hướng Hóa - Quảng Trị), đang phát quang hành lang tuyến đường dây điện 22 kV khu vực thôn Cát, thôn Trỉa (xã Hướng Sơn), trong cái nắng gắt buổi ban trưa tôi mới hiểu và cảm nhận được phần nào sự gian khó của những người công nhân ngành Điện nơi vùng núi. 

Công nhân PC Quảng Trị đến các hộ gia đình giúp lắp đặt thiết bị điện cho bà con dân tộc.

Đường dây 22 kV và trạm biến áp thôn Cát, thôn Trỉa là một trong những công trình thuộc Dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Quảng Trị (dự án ADB) do Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung làm chủ đầu tư, với quy mô 12,43 km đường dây trung áp đi qua địa hình rừng núi hiểm trở và 5,1 km đường dây hạ áp, 02 trạm biến áp có công suất 25 kVA-22/2 x 0,23 kV được đóng điện vào ngày 23/12/2016. Thôn Cát và thôn Trỉa nằm cách trung tâm xã Hướng Sơn hơn 18 km với 114 hộ dân người dân tộc Vân Kiều. Đời sống của bà con nơi đây còn nghèo, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là về mùa mưa. Chính sự yêu nghề, trách nhiệm và tâm huyết như anh Đạo, cùng anh em công nhân ngành Điện Hướng Phùng đã mang đến cho đồng bào dân tộc nơi đây có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đời sống tinh thần được nâng cao, thêm tin yêu vào cuộc sống.

Vượt qua đoạn đường núi hơn 14 km, chúng tôi cảm nhận được "đầy đủ" sự hiểm trở, gập gềnh của những đoạn đường núi. Một bên là núi đá, một bên là bờ vực, đoạn đường hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe qua. Nhiều đoạn đường vướng “ổ voi, ổ gà”, đá lởm chởm, dốc dựng đứng trơn trượt và phải vượt qua nhiều con suối, hay những chỗ có cây rừng lớn ngã đổ chắn ngang đường, chúng tôi phải luôn hỗ trợ nhau để cùng vượt qua. 

Anh Thái Tăng Đạo chia sẻ, nơi đây là vùng chịu ảnh hưởng rõ nét của nhiệt đới gió mùa Đông Bắc. Nền nhiệt tăng cao vào mùa nóng và chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây nam khô nóng, nhiệt độ bình quân cả năm tương đối cao (24,9 độ C). Vào mùa nắng nóng, đường núi còn dễ đi, có thể sử dụng phương tiện để di chuyển. Nhưng gian khổ nhất là vào mùa mưa bão, với địa hình núi non hiểm trở, nhiều đoạn sông suối, mưa bão có thể gây đổ cây, sạt lở đất bất cứ lúc nào. Anh em buộc phải đi bộ, mang theo lương khô, nước uống vì quanh đây không có quán xá gì, người dân dọc đường dây thì không có. Với 14 km đường thôi, nhưng nhiều khi phải mất 3-4 tiếng đồng hồ mới vào đến điểm cuối. “Gian khổ là thế, nhưng bất kể nắng nóng, khắc nghiệt, mưa bão, ngày hay đêm, bất cứ khi nào người dân nơi vùng núi này gọi báo sự cố về điện thì Đội quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng lập tức lên đường để sửa điện một cách nhanh nhất”, anh Đạo cho biết thêm.

Đường dây 22 kV cấp điện cho thôn Cát, thôn Trỉa.

Đội quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng là một trong 4 đội quản lý khu vực của Điện lực Khe Sanh (PC Quảng Trị). Toàn đội có 5 anh em, quản lý 63 trạm biến áp, 140 km đường dây trung áp, 65 km đường dây hạ áp và gần 3.000 khách hàng, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô và một số ít dân tộc Kinh. Khu vực này gồm các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt và Hướng Lập. Với 3/4 địa hình là đồi núi, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, cuộc sống của người dân nơi đây thực sự còn nhiều khó khăn. 

Chỉ tay đường về thôn Cát, thôn Trỉa, anh Đạo chia sẻ, đường điện mới này sẽ giúp cung cấp điện cho khoảng 114 hộ dân. “Không chỉ đảm nhận quản lý vận hành hay sửa chữa khi có sự cố, mà hàng tháng công nhân của Đội còn thường xuyên vào thôn, bản để kiểm tra hệ thống lưới điện, ghi chỉ số công tơ và hướng dẫn người dân sử dụng điện nhằm đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Khi có điện, cuộc sống của người dân nơi vùng núi này đã khấm khá hơn nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện cũng ngày càng nhiều thêm”, anh Đạo vui mừng chia sẻ.

Ông Hồ Văn Đàn - Trưởng thôn Trỉa hồ hởi, khi điện lưới quốc gia về bản, nhiều hộ dân ở thôn rủ nhau đi mua sắm đồ điện, mua tivi, sắm đài, tủ lạnh, quạt máy, nồi cơm điện... Rồi mua thêm nhiều bóng đèn treo trong nhà, ngoài hiên... 

Phải đi qua địa phận nước bạn Lào mới đưa nguồn điện đến với bản Tà Păng và các thôn bản giáp biên giới như bản Cuôi, bản Cựp (xã Hướng Lập). Khó khăn, vất vả là vậy, tuy nhiên, được sự chia sẻ, hỗ trợ từ lãnh đạo điện lực, của địa phương, của bà con nên chúng tôi đã hoàn thành công việc được giao, anh Đạo khẳng định.


  • 09/10/2018 04:44
  • Nguồn: PC Quảng Trị
  • 1661