Những bản tình ca ngành Điện
Anh Nguyễn Đắc Cường.
|
Có người nào đó từng nói: “Hiếm có ngành nào lại có nhiều sáng tác và nhiều ca khúc hay như ngành Điện”. Cái hay ở đây không chỉ bởi ca từ, điệu nhạc, mà ở chính tình yêu của những người lao động - các tác giả không chuyên. Họ có thể là kỹ sư/công nhân, là “lính” đường dây, là nhân viên văn phòng, thậm chí là lái xe… khi đã khơi dậy được nguồn cảm hứng sáng tác, họ trở nên phiêu hơn, dạt dào cảm xúc, lắng đọng, yêu thương đến vô cùng…
Một trong “nhạc sỹ” có nhiều tác phẩm nhất về ngành là anh Nguyễn Đắc Cường (chuyên viên Công đoàn Điện lực Việt Nam). Dân kỹ thuật, chưa từng qua lớp thanh nhạc, nhưng với tình yêu âm nhạc hòa quyện với tình yêu ngành, anh Cường tự học nhạc lý, sáng tác những bài hát ngợi ca ngành Điện. Trước đây, anh Cường đã có hơn 15 gắn bó với Công ty Thủy điện Sơn La, trải nghiệm qua nhiều khó khăn, vất vả, nên tình yêu ngành dường như đã ngấm vào máu thịt. Ca khúc đầu tay của anh là “EVN nguồn sáng tương lai” (do anh sáng tác lời, tháng 5/2012) - một trong những bài hát để lại ấn tượng sâu sắc nhất, nhiều xúc cảm sâu đậm nhất cho người nghe.
“Khi tôi sinh ra đất nước còn nghèo
Tôi luôn ước mơ nguồn điện tương lai,
Xóa hết mồ hôi trưa hè nhọc nhằn,
Sưởi ấm tình người giá rét những đêm đông...”
Cháy bỏng những vần thơ
Chị Lương Thị Thanh Huyền.
|
Không chỉ là chất liệu cho những bài ca lãng mạn đi cùng năm tháng, những "người lính áo cam" tưởng chừng như thô ráp, với công việc tưởng chừng như khô khan, nhàm chán bỗng trở nên đậm chất thi vị trong những bài thơ do những “nhà thơ thợ điện” sáng tác.
Trong số hàng trăm nhà thơ không chuyên ấy, chị Lương Thị Thanh Huyền – Phòng Tài chính – Kế toán, Công ty Điện lực Bắc Giang cũng là một trong số nhà thơ có nhiều sáng tác nhất về ngành Điện. Bén “duyên” với thơ ca từ khi còn là nữ sinh trung học, từng sáng tác nhiều thơ, tuy nhiên, chị Thanh Huyền không nhận mình là “nhà thơ”, mà đơn giản chỉ là “người yêu thơ”. Bằng trái tim nhạy cảm của một phụ nữ, chị đã viết rất nhiều bài thơ chân thực, xúc động về nghề điện và những người làm nghề điện.
Theo chị Huyền, làm thơ về ngành Điện rất khó, bởi những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, hàm lượng KHCN cao, phức tạp, khô khan, khó gieo vần. Chỉ khi yêu nghề, có cảm xúc với nghề và viết về chính công việc, những người thân yêu đang làm trong ngành Điện chị mới có thể “hóa giải” được sự khô khan, gò bó đó. Mỗi bài thơ chị viết về ngành Điện đều gắn với một kỷ niệm, một sự việc cụ thể. Đó có thể là những lần “dầm mưa, dãi nắng” trên công trường, hay “căng mình” trong nắng cháy sửa chữa điện… Trong những hoàn cảnh đặc biệt ấy, chị thường “mượn” thơ, thể hiện cảm xúc của mình. Chúng ta có thể hiểu được cảm xúc của chị qua bài “Tôi yêu người chiến sĩ áo cam”
“Công việc lặng thầm, người chiến sỹ áo cam
Chẳng quản gian nan, dầm mưa, dãi nắng.
Bữa cơm gia đình, anh thường đi làm vắng
Cái nắng nung người, rát bỏng cả thịt da
Làm việc trên cao, các anh chẳng nề hà.
Mang ánh sáng, chạy dài đi muôn ngả
Thương các anh, ngày đêm vất vả
Giấc ngủ không tròn có việc lại lao đi…”
“Tôi viết để trải lòng, để thỏa mãn sự đam mê làm thơ, cũng là hy vọng thông qua những vần thơ ấy, công chúng có thể hiểu hơn, đồng cảm và sẻ chia nhiều hơn với những vất vả khó khăn của những người làm điện như chúng tôi.” Chị Thanh Huyền bộc bạch.
Đồng cảm với những vất vả lặng thầm trong công việc, thơ chị Thanh Huyền toát lên sự lạc quan, yêu đời, yêu nghề của những người làm điện. Đó là hình ảnh người thợ vẫn vui tươi khi luôn phải làm việc ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. “Điện về toả khắp nơi nơi/Chúng tôi người thợ mỉm cười dưới mưa", hay “Giữa trời nắng gió rì rào/Mà người thợ điện trên cao vẫn cười”.
Anh Nguyễn Huy Thắng.
|
Còn trong thơ của anh Nguyễn Huy Thắng – Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, độc giả lại có thể thấy góc nhìn khác, không cầu kỳ, trau chuốt mà chân thật, mộc mạc như chính con người, công việc, tính cách và tâm hồn của người “lính” truyền tải vậy. Đôi khi, cảm xúc được khơi nguồn khi nhà thơ bắt gặp những người thợ lên tuyến, băng đèo, lội suối, hay đơn giản chỉ là những giọt mồ hôi ướt đầm trên khuôn mặt, trên lưng áo người thợ.
“Yêu biết mấy mỗi khi ta lên tuyến
Băng qua đèo, băng qua thác ghềnh
Giọt mồ hôi rơi, lưới điện sừng sững hiên ngang giữa trời…”
Những vần thơ của anh dù đôi chỗ có thể chưa điêu luyện về vần điệu, nhưng đều xuất phát từ xúc cảm thật, con người thật và đã chạm được vào trái tim người đọc. Trước hết, đó là bạn bè, đồng nghiệp – những người cũng yêu thơ, yêu nghề như anh. Nhiều người vẫn ngâm nga những vần thơ trong bài “Niềm vui người thợ truyền tải điện” mỗi khi lên tuyến hay trong những giờ giải lao.
Tâm sự của anh Thắng cũng là tâm sự chung của nhiều nhà thơ - nhạc sỹ ngành Điện: “Mỗi bài thơ của tôi luôn toát lên sự đồng cảm, niềm tự hào của những người thợ điện đã luôn vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, cho dòng điện luôn tỏa sáng, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giầu đẹp. Tôi tin rằng, mỗi sáng tác của những anh em nghệ sĩ không chuyên sẽ là bài ca, là vần thơ chung cho mọi người đang làm việc trong ngành Điện. Đây cũng là động lực để mỗi chúng ta cố gắng làm tốt, làm tốt hơn nữa công việc của mình”.