Nếu có dịp về thăm quê hương Bình Phước, vùng đất giàu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đang vươn mình đi lên từ muôn vàn khó khăn của một thời bom đạn. Chúng tôi xin một lần mời bạn ghé thăm “đại gia đình” Công ty Điện lực Bình Phước (PC Bình Phước), để nghe chúng tôi chia sẻ về một trong những niềm tự hào của ngành Điện tỉnh nhà - kỹ sư Từ Văn Sơn, cán bộ kỹ thuật Điện lực Phước Long. Mọi người vẫn hay ví von gọi anh là “Vua của những sáng chế”.
Lớn lên trong một gia đình nông dân ở thôn Nhơn Hòa 2, xã Long Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Từ nhỏ cậu bé Sơn đã thích mày mò với các thiết bị, máy móc chạy bằng điện. Cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ Sơn từ bỏ niềm đam mê của mình. Năm 1995, anh đăng ký học tại Khoa Điện công nghiệp, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ đường sắt II. Năm 2002, mong muốn nâng cao trình độ, anh tiếp tục đăng kí học tại Trường Trung học điện II. Năm 2006, có lẽ là năm bước ngoặt khi anh được trao cơ hội làm việc tại Phân xưởng Cơ Điện thuộc PC Bình Phước, với nhiệm vụ chính là sửa chữa máy biến áp (MBA), gia công cơ khí phục vụ sửa chữa, vận hành máy phát điện, phụ trách môi trường. Để rồi từ đây, là chuỗi ngày anh được sống trọn vẹn nhất với đam mê của cuộc đời mình - Sáng chế. Mục tiêu anh hướng đến là tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và bảo đảm an toàn trong lao động, góp phần vào sự phát triển chung của PC Bình Phước.
Có lẽ, với cái “gốc nông dân” vốn có, nên khi tiếp xúc với anh Sơn, mọi người đều có chung cảm nhận là nét chân chất của người nông dân thực thụ trong anh. Không thích kể nhiều về bản thân, nhưng khi nói về công việc, mắt anh lại ánh lên sự hứng khởi. Anh có thể kể cho mọi người hàng giờ liền về những sáng kiến mà anh đã và đang thực hiện. Niềm đam mê sáng chế vẫn vẹn nguyên, vì vậy, mỗi ngày anh vẫn luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi những điều mới, qua đó đúc kết kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời vận dụng những kiến thức đã được học vào những sáng chế của mình. Những ai đã từng làm việc cùng anh, đã quá quen cảnh ròng rã hàng tháng trời anh ăn, ngủ, nghỉ tại nhà xưởng thử đi thử lại cả chục lần các thiết bị khác nhau nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Và rồi những sáng chế mang thương hiệu Từ Văn Sơn từ đó lần lược ra đời.
Anh Sơn cùng xe nâng và di chuyển MBA
|
Sáng chế “Dùng xe nâng và di chuyển MBA” có lẽ là một trong những sản phẩm mất rất nhiều tâm sức của anh. Trên thực tế, công tác sửa chữa MBA tại Phân xưởng cơ điện nơi anh Sơn công tác rất vất vả do phải thường xuyên di chuyển các MBA nặng mấy tấn từ bãi tập kết vào trong xưởng để sửa chữa. Công việc này tốn rất nhiều thời gian, công sức, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, Phân xưởng chưa được trang bị xe di chuyển MBA, trong khi đó xe cẩu chỉ được huy động khi có đủ số máy đảm bảo khối lượng cần thiết. Anh và những người công nhân khác phải tự vận chuyển thủ công từng máy rất nặng. Sáng chế “Dùng xe nâng và di chuyển MBA” đã ra đời sau rất nhiều nỗ lực của anh. Từ khi có xe này, việc di chuyển các MBA và các vật tư, thiết bị được thực hiện một cách dễ dàng, đỡ tốn sức đồng thời đảm bảo an toàn cho người lao động và nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Phân xưởng cơ điện là nơi quấn lại các MBA bị cháy, tuy nhiên, các loại máy quấn dây MBA tự động trên thị trường có giá vào khoảng 150 triệu đồng/cái, Công ty chưa thể trang bị cho Phân xưởng. Để quấn dây, phải có 2 người sử dụng khuôn quấn chêm bằng gỗ, quay bằng tay, vừa quay vừa giữ và rải dây, vừa tốn thời gian làm khuôn, vừa tốn sức người quay. Vậy là hành trình chinh phục những thử thách của anh Sơn lại tiếp tục bắt đầu. Sản phẩm “Máy cuốn dây biến áp” ra đời trong niềm vui khôn tả của chính chủ nhân và bạn bè đồng nghiệp. Giải pháp là lồng cuộn dây vào khuôn quấn, xiết đai ốc cho tới khi cuộn dây được giữ chặt trên khuôn. Quấn giấy cách điện, thay đổi bánh răng điều tốc cho phù hợp với kích thước dây quấn hiện hữu, chỉnh kẹp rải dây vào vị trí. Bắt đầu quấn dây cho tới hết lớp. Bọc giấy cách điện, đổi chiều rải dây để tiếp tục quấn. Đặc biệt, thay vì phải 2 người quấn dây, giờ chỉ cần 01 người quấn, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng suất lao động, giá trị làm lợi gần 80 triệu đồng. Sản phẩm này đã chinh phục được Hội đồng giám khảo và vinh dự đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần II năm 2012 - 2013.
Trong số những sáng kiến của anh Từ Văn Sơn, không thể không nhắc đến “Dây cẩu máy phát điện” để vận chuyển máy phát điện dự phòng từ Công ty đến các địa bàn khác một cách thuận tiện. Trước đây, mỗi lần vận chuyển, việc cẩu máy phát điện lên xe rất khó khăn do máy phát có trọng lượng lớn. Để cẩu máy, phải dùng 2 sợi dây dù bẹ làm dây cẩu máy. Cách làm này có nhiều nhược điểm là dây dù có độ co dãn nhất định, lại chỉ có 2 sợi nên rất khó để móc cân bằng đúng trọng tâm nên máy thường bị nghiêng, rất khó đặt lên xe. Hai dây dù bẹ này có kích thước quá dài nên khi cẩu, đầu dây không được móc vào bốn góc của máy phát mà phải tìm cách móc cho ngắn lại nên không an toàn. Sau khi nghiên cứu, anh đã chế tạo 4 sợi dây cẩu máy bằng sợi cáp thép bọc trong ống nhựa để khi cáp và thùng máy cà vào nhau không làm tróc sơn vỏ máy và sờn sợi cáp. Đầu cáp được tết theo đúng kỹ thuật tết cáp thép, độ bền cao, không co dãn, 4 sợi được móc cố định vào bốn góc nên dễ dàng móc cẩu mà máy không bị lệch trọng tâm và không cần người leo lên nóc máy phát khi xe đang cẩu, đảm bảo an toàn cho người lao động.
Sáng kiển Máy cuốn dây biến áp của anh Sơn
|
“Buồng hút và xử lý bụi sơn” là sáng chế ý nghĩa mà anh đem đến cho những đồng nghiệp của mình, không chỉ thuận tiện trong công việc mà sáng chế này còn giúp bảo vệ sức khỏe cho người lao động do không phải hít bụi sơn trong quá trình làm việc. Đảm bảo cách điện của sứ MBA không bị bụi sơn dính lên bề mặt sứ, không gây ô nhiễm môi trường và đã được màn nước tuần hoàn hấp thu để xử lý bụi sơn và hóa chất. Có kết cấu nhỏ gọn, dễ di chuyển đến các vật cần sơn có khối lượng lớn và khó di chuyển, sản phẩm này được hội đồng sáng kiến của Tổng công ty Điện lực miền Nam công nhận.
Vinh dự trở thành công nhân tiêu biểu cho phong trào lao động sáng tạo của PC Bình Phước nói riêng và EVNSPC với những sản phẩm của mình, nhưng khi được hỏi, anh lại khiêm tốn chia sẻ đơn giản đơn rằng: “Tôi nghĩ những đóng góp của mình còn rất nhỏ bé và sẽ không ngừng nỗ lực nhiều hơn nữa”.
14 năm tuổi nghề, 48 năm tuổi đời, có lẽ là chặng đường đủ để Kỹ sư Từ Văn Sơn nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc của cuộc đời và với “nghiệp” mà mình đã chọn. Vất vả, khó khăn cũng qua để rồi anh được chạm tay tới những “quả ngọt”. Ngày 18/9/2006, anh được nhận vào làm công nhân thuộc Phân xưởng cơ điện PC Bình Phước; 01/4/2014 được bổ nhiệm giữ vị trí Tổ trưởng Tổ sửa chữa; 01/01/2016 anh chuyển ngạch sang Kỹ sư điện; 01/01/2017 anh được chuyển về Điện lực Phước Long để có thêm thời gian chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình.
Nhiều năm liền anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương, giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng của các cấp, các ngành… Đặc biệt, là Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần II năm 2013 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.
PC Bình Phước hôm nay đang khoác lên mình màu áo mới, hoà cùng với sự đổi thay của quê hương Bình Phước. Mỗi ngày trôi qua, vẫn có những đôi bàn tay cần mẫn, những khối óc miệt mài đêm ngày cống hiến - Kỹ sư Từ Văn Sơn đã và sẽ luôn là một điểm sáng trong công cuộc đổi mới của mảnh đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng” này.