Phần thi của đội Chùa Chót (huyện Vĩnh Lợi) tại đêm chung kết Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer. Ảnh: Hoàng Trung
|
Tham gia thi tài, biểu diễn tại Liên hoan là các nhạc công, diễn viên múa không chuyên của 11 đội đến từ 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Mỗi đội dự thi tham gia ở cả 2 thể loại là biểu diễn nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer. Các nhạc công, diễn viên sẽ biểu diễn các nhạc phẩm mang âm hưởng dân gian, nhạc lễ cưới, lễ hội và những bài truyền thống cách mạng có độ dài từ 5-10 phút.
Đây là sự kiện được tổ chức nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Sau 3 ngày (27 – 29/12) tranh tài sôi nổi, đối với phần thi nhạc ngũ âm, Ban tổ chức đã trao 2 giải A cho 2 đội: Chùa Chót (huyện Vĩnh Lợi) và Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu); 4 giải B, 5 giải C cho các đội dự thi.
Đối với phần thi múa dân gian, Ban tổ chức trao 2 giải A cho 2 đội: Chùa Cũ (huyện Vĩnh Lợi) và Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu); 3 giải C; 4 giải B cho các đội dự thi.
Dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer còn được gọi là dàn nhạc Pin Piết đã có từ rất xa xưa, được thiết kế rất đẹp và tinh xảo bởi các nghệ nhân người Khmer, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, đảm bảo các yếu tố hòa âm cho cả dàn. Khi chơi nhạc, người biểu diễn thường tách ra thành từng nhạc cụ để độc tấu nhằm khai thác tối đa tính độc đáo trong âm thanh của từng nhạc cụ cũng như khả năng biểu diễn của từng nhạc công.