Bà Khương Thị Trang - Nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam
|
Duyên nghiệp
Sinh năm 1951 tại Thiệu Khánh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, tròn 20 tuổi, chị Khương Thị Trang về nhận công tác ở Nhà máy Điện Ninh Bình (khi đó đang xây dựng) với tấm bằng trung cấp điện. Thế mà chẳng hiểu sao cô gái nhỏ nhắn, trẻ tuổi ấy lại được giao làm Trưởng ban Nữ công và Thường vụ Đoàn Thanh niên của Nhà máy. Có lẽ vì cái dáng nhanh nhẹn, hay quan tâm mọi người, cộng thêm sự nhiệt tình trong công việc đoàn thể nên tháng 2 năm 1978, Nhà máy cử chị đi học Đại học Công đoàn khóa I, sau đó năm 1982 về làm cán bộ công đoàn chuyên trách tại Bộ Điện lực. Thế là "cái nghiệp" công đoàn gắn bó với chị từ đó.
Người "canh gác" cho quyền lợi của người lao động
Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngành Điện là một trong những ngành có hoạt động bề nổi rất hiệu quả, nhất là phong trào nữ công. Còn phụ nữ ngành Điện lại khẳng định: Có phong trào này, công đầu thuộc về chị Cả (tức chị Trang).
Đem chuyện này kể với chị Trang, chị cười khiêm tốn: Họ ưu ái nên nói thế, chứ mình chỉ nghĩ ra thôi, nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo và đồng nghiệp, không có sự ủng hộ của chị em thì mình làm được gì chứ! Thế chị nghĩ ra những gì? tôi hỏi. Chị cười: từ từ đã, việc quá nhiều, lại nghỉ hưu lâu rồi, sao mình nhớ hết được.
Nói thế nhưng khi câu chuyện "vào cầu", tất cả cứ như một cuốn phim quay chậm hiện dần ra. Chị kể, vào những năm 90, khi đang bước vào giai đoạn đổi mới. Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, một số đơn vị ngành Năng lượng rất khó khăn về việc làm, nhất là lĩnh vực cơ khí, xây lắp điện, nhiều cơ quan xí nghiệp phải thay nhau nghỉ luân phiên, hưởng lương chờ việc nên đời sống công nhân rất vất vả.
Để giải quyết việc làm cho người lao động, chị cùng anh chị em trong ban Lao động đời sống tham mưu cho lãnh đạo tổ chức nhiều hội thảo giữa các đơn vị: Xây lắp Điện, Cơ khí Điện, Tư vấn Xây dựng điện, kinh doanh Điện… để trao đổi san sẻ công việc cho nhau, nhờ đó, tình trạng nghỉ việc không lương ở một số đơn vị giảm đi rất nhiều.
Với cương vị Trưởng ban Nữ công Ngành, chị trăn trở rất nhiều vì lao động nữ các khối này bị dôi dư là chủ yếu, đời sống của họ bởi vậy rất khó khăn, có nhiều chị ở khu tập thể Cơ khí Yên Viên phải làm thêm việc bóc lạc, bóc hành thuê với tiền công rẻ mạt, có chị đi bán giấy vệ sinh... Chị lặn lội đến từng cơ sở, thấy ở đâu có mô hình làm kinh tế giỏi là chị tổ chức ngay các cuộc hội thảo để chị em chia sẻ kinh nghiệm, từ cách chọn lợn giống, gà giống, đến cách làm chuồng trại, tìm thức ăn, buôn bán nhỏ sản phẩm từ quê về khu tập thể Thiết bị điện… Sau đó kiểm tra đánh giá rút kinh nghiệm, nhân điển hình nếu có về hiệu quả làm kinh tế phụ.
Có lần về Xí nghiệp Sứ Quế Võ ở Hà Bắc, thấy ở đây đất để hoang nhiều mà công nhân vẫn nghèo đói, chị ráo riết kêu gọi chị em tận dụng đất để trồng hoa màu, tăng gia chăn nuôi, ai biết thì chia sẻ kinh nghiệm cho người chưa biết, thỉnh thoảng chị lại đến động viên, nhờ vậy các gia đình có rau màu ăn không hết còn đem bán. có người gửi biếu chị cân bột sắn, chị ứa nước mắt vì mình đã làm được việc thực sự có ý nghĩa với chị em như vậy.
Tuy nhiên, làm kế hoạch 3 cũng chỉ là vài phép tính nhỏ, còn bài toán lớn là đời sống công nhân toàn ngành vẫn chưa được giải quyết. Nhân cơ hội năm 1996, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Tổng Liên đoàn chỉ đạo “Ngày tiết kiệm vì Phụ nữ nghèo”, chị đã đề xuất và được Tổng giám đốc Lê Liêm ủng hộ, đầu năm 1997 tổ chức thành công ngày thành lập quỹ, được sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Ban đầu cũng nhiều người không tin có kết quả cao, không ngờ ngay lần ra mắt đầu tiên, Quỹ đã kêu gọi được gần 120 triệu đồng (thời điểm 1996) và Quỹ đã có quy chế cho phụ nữ nghèo vay vốn làm kinh tế gia đình.
Chị vẫn nhớ mãi hình ảnh chị Chung (Nhà máy Sản xuất Thiết bị điện) lúc đó cầm 200.000 đồng được vay mà rưng rưng nước mắt vì chưa bao giờ được cầm số tiền lớn thế này. Có vốn rồi, chị yêu cầu các cơ sở phải kiểm tra, giám sát hướng dẫn chị em sử dụng hiệu quả đồng vốn được vay. Thấy Quỹ Phụ nữ nghèo phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp đều tự nguyện đóng góp về ngành và một phần hình thành quỹ tại cơ sở.
Vào năm 2006 đánh giá 10 năm thực hiện phong trào “ Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, Quỹ ở cấp công ty cơ sở đã có gần 2 tỷ đồng và ở Công đoàn ngành gần 500 triệu đồng cho gần 200 lượt chị vay phát triển kinh tế gia đình. Quỹ còn giành 15 - 20% để trợ cấp thăm hỏi giúp đỡ phụ nữ ốm đau dài ngày, trẻ em mồ côi đặc biệt khó khăn. Đã có hàng ngàn lượt phụ nữ và trẻ em được trợ giúp. Khi Quỹ dư dật còn chi gặp mặt HSG hàng năm ở cấp ngành…
Cùng với Quỹ Phụ nữ nghèo, Quỹ Xã hội ngành Điện thành lập vào những năm 1999-2000 cũng trở thành một dấu ấn đáng kể trong ngành Điện. Chị bảo, lúc đó mình rất trăn trở, tại sao nhiều CBCNV ngành Điện rất khó khăn mà tập thể không có cách nào hỗ trợ. Đem ra bàn bạc thì lời ra ý vào, cuối cùng chẳng đi đến đâu. Tới khi làm Phó Chủ tịch Công đoàn EVN, thấy có nhiều cuộc vận động của Trung ương kêu gọi hoạt động từ thiện. Hầu hết các cơ quan đơn vị đều quyên góp được bao nhiêu đem hỗ trợ bấy nhiêu, lần sau cần lại quyên góp tiếp. Thấy cách làm này hiệu quả không cao, mỗi lần hỗ trợ phải chờ quyên góp từ các đơn vị rất lâu. Chị liền tham mưu giúp Ban Thường vụ Công đoàn ngành làm việc với lãnh đạo Tập đoàn thành lập Quỹ Xã hội hoạt động theo quy chế cụ thể, theo đó, tiền quyên góp được từ các đơn vị sẽ trích 15% - 20% để làm quỹ tại cơ sở chi hỗ trợ tại chỗ và đóng góp cho địa phương khi thiên tai, dịch bệnh.., 30% xây dựng quỹ cấp Tập đoàn, 50% ủng hộ về Trung ương. Nhờ có quỹ này mà công tác xã hội từ thiện của ngành Điện rất kịp thời, Trung ương kêu gọi là trích quỹ ủng hộ luôn. Các vùng bị thiên tai có cơ sở trong ngành bị thiệt hại thì Công đoàn ngành và Tổng công ty đi thăm ngay và có tiền chi luôn. Những người trong ngành ốm đau, hoạn nạn cũng được trích quỹ hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, quỹ này còn được dùng hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, được cộng đồng đánh giá rất cao.
Khó khăn nhất trong việc xây dựng các loại quỹ là gì? tôi hỏi. Chị trầm ngâm: Vấn đề không phải là tiền, mà là có đạt được sự tin tưởng, đồng thuận từ trên xuống dưới không? muốn thế, điều quan trọng là việc thu chi phải bảo đảm công khai minh bạch, kiểm tra định kỳ. Đã đồng thuận rồi, tất cả lại đưa vào quy chế quản lý hai bên cùng ký chi tiêu, mọi việc cứ thế chạy băng băng thôi. Tôi gật gù: Đúng là... kinh nghiệm của "gừng già".
Theo chị Trang, làm cán bộ công đoàn rất vất vả, ít nhất là với chị. Muốn hiểu kỹ về ngành Điện để khi xuống cơ sở có ngôn ngữ nói chuyện với công nhân, luôn phải tranh thủ ngoài giờ đọc, nghiên cứu thêm. Chả thế mà công nhân rất nể chị vì chị hiểu về công việc, về doanh nghiệp của họ không kém gì người trong cuộc.
Không chỉ chăm lo đời sống, chị còn rất quan tâm bảo vệ quyền lợi người lao động. Theo chị, đây là việc rất khó khăn và tế nhị vì thường xảy ra xung đột quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Chị không nói nhiều về chuyện này, nhưng tôi biết, nhờ sự khéo léo mềm mỏng, chị đã bảo vệ quyền lợi cho nhiều chị em công nhân thời bao cấp không bị mất việc do DN xử lý sai và kể cả cán bộ, quản lý, kỹ sư có công với ngành Điện cũng được ghi nhận đánh giá và khen thưởng xứng đáng. Hệ thống nhà trẻ tại các nhà máy điện sắp bị thả nổi năm 2000 cũng đã được chị ra công sức phối hợp với các ban, ngành, Cục Mầm non quốc gia và Ban nữ công các đơn vị đồng lòng kiến nghị Tổng công ty chỉ đạo các doanh nghiệp để nguyên không chuyển về địa phương quản lý. Và bổ sung cơ chế quản lý mới “Nhà nước - doanh nghiệp – gia đình đồng trách nhiệm) nhờ vậy khối NTMG tồn tại bền vững hơn.
Người thầy tận tụy
Có lẽ, chị Trang là một trong số không nhiều người lúc nào cũng lo lắng, dìu dắt, đào tạo đội ngũ nữ cán bộ công đoàn. 9 năm tổ chức hình thức sinh hoạt nữ công ngành Điện theo cụm (Bắc - Trung - Nam), chị kêu gọi được 32 đơn vị luân phiên tổ chức đăng cai. Theo chị, đây là cơ hội rất tốt để chị em tập dượt kỹ năng lãnh đạo, từ khâu lên kế hoạch, làm báo cáo, chuẩn bị kinh phí, dàn dựng, tổ chức, dẫn dắt chương trình. Ai chưa hiểu chỗ nào gọi lại cho chị sẽ được hướng dẫn đến nơi đến chốn. Những hình thức này không chỉ giúp chị em phụ nữ có cơ hội giao lưu nhiều hơn mà cán bộ nữ cũng ngày càng năng động, mạnh dạn, được lãnh đạo cơ quan tin tưởng hơn. Chị tự hào khoe, từ phong trào này có hàng chục chị đã trưởng thành và trở thành chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn công ty, cơ sở.
Sau khi có mô hình cụm, chị tiếp tục thành lập câu lạc bộ nữ công ở khu vực phía Bắc và phía Nam, sinh hoạt theo chủ đề: Tuyên truyền nâng cao kiến thức XH, gia đình, giao lưu văn hóa văn nghệ. ứng dụng vào các mối quan hệ: Mẹ chồng nàng dâu; khi nhà có ô sin; cách giữ hạnh phúc vợ chồng; cách nuôi dạy con cái... lại truyền tải bằng kỹ năng hùng biện, kịch tiểu phẩm... được chị em hưởng ứng nhiệt liệt. Điều đáng nói là các câu lạc bộ này hoàn toàn tự nguyện, hoạt động ngoài giờ, kinh phí tự lo, nhưng chị em tham gia rất sôi nổi, nhiều chị đã về hưu vẫn xin tham gia. Chị Mai - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa được mời về làm "Giám khảo danh dự" đã nhận xét: Đây là mô hình rất hay, sáng tạo, bổ ích.
Biến không thành có
Dù câu chuyện của chị không đầu, không cuối nhưng tôi hiểu, thành công của chị chính là sự ghi nhận của lãnh đạo EVN về vai trò quan trọng của hoạt động công đoàn đóng góp vào hoạt động chung của Tổng công ty. Từ năm 1998, ngành Điện là một trong những ngành đầu tiên tổ chức đại hội CNVC và sau này được đánh giá là có nề nếp chất lượng về đại hội CNVC. Chị kể, cái gì cũng mới mẻ, vừa làm Trưởng ban Nữ công lại kiêm Trưởng ban Kinh tế CSXH của công đoàn, mày mò học hỏi soạn thảo văn bản đại hội CNVC cũng vất vả lắm nhưng vui vì biết thêm được nhiều việc và từ đại hội CNVC mà có cơ hội để làm quen thân hơn với anh chị em các ban chuyên môn đó cũng là điều hạnh phúc của cán bộ công đoàn, xóa được mặc cảm bôi bác của ai đó (CĐ ăn theo…).
Nói về khả năng soạn thảo, chị nhớ lại, đầu những năm 2000, Tổng Liên đoàn tổ chức thi nữ công gia chánh nhưng lại chưa có bộ câu hỏi. Chị đã mất những đêm thức trắng trên cơ quan, gõ vi tính nhức cả mấy đầu ngón tay để tìm tòi soạn thảo bộ câu hỏi kiến thức và câu hỏi ứng xử, quan trọng là để chị em thí sinh không phải học quá gấp gáp vất vả mà còn đáp ứng kịp kế hoạch của Tổng liên đoàn. Và cũng như văn bản liên tịch chỉ đạo các đơn vị trong Ngành Năng lượng, Tổng công ty triển khai thực hiện QĐ-163 - HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về Tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia vào công việc quản lý Nhà nước. Chị chắp bút và phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của Bộ, Tổng công ty để hoàn chỉnh tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và Chủ tịch Công đoàn ngành ký chỉ đạo, định kỳ sơ tổng kết đã tạo ra bước chuyển tích cực, tỷ lệ cán bộ nữ quản lý trong 10 năm tăng từ 6,7% lên 9,76%.
Với chị, việc chăm lo nhà cửa cho công nhân cũng luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động tim tòi học hỏi ở nơi này truyền cho nơi kia. Lấy ưu điểm của khu vực phía Bắc để trao đổi cung cấp thông tin cho khu vực phía Nam giúp họ thức tỉnh nhanh hơn về nơi ăn chốn ở của CNVC giai đoạn từ bao cấp sang cơ chế thị trường, tự cứu mình và cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, có lẽ đã tạo thành luồng gió mới trong tư duy nhận thức của họ. Chị đến đơn vị có khu cư xá vận động chính quyền công đoàn tìm cách hỗ trợ cho công nhân viên bị thu lại nhà khi về hưu. Nhờ sự sát sao nên khi Công ty Điện lực Sóc Trăng làm nhà cho công nhân viên theo hình thức doanh nghiệp đứng ra tín chấp vay vốn hộ công nhân viên, và doanh nghiệp đứng ra làm hạ tầng khu nhà, thuê thiết kế mẫu nhà… rồi phân lô cho mỗi gia đình trả góp, chị đến nơi và mắt thấy tai nghe đã viết bài đưa tin nhanh trên bản tin Công đoàn ngành giúp nhiều đơn vị học theo, chị còn nhớ như nguyên việc đó.
Lời kết
Đã 10 năm, kể từ ngày chị về hưu, ngoài việc chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, chị còn công tác ở Chi bộ, Hội Phụ nữ phường, Hội Hưu trí của Nhà máy Điện Ninh Bình nơi chị đã từng công tác. Chị khoe, từ khi về hưu, chị đã vận động được bà con đóng góp xây dựng hàng rào quanh khu tập thể, có cổng gác 24/24 và cho thuê mặt bằng trông xe, tháng 3 triệu đồng cho khu tập thể Năng lượng, vừa chống được nạn trộm cắp đang hoành hành ở đây, khu nhà có quỹ trang trải mọi việc. Chị được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng BQT khu tập thể.
Tôi lặng lẽ nhìn chị đầy khâm phục. Xem ra cái "lửa" cán bộ nữ công ở chị vẫn chưa hề giảm. Chị nói, phẩm chất quan trọng nhất của cán bộ phong trào là phải nhiệt tình, sáng tạo, thực sự sâu sát, hiểu sâu sắc cán bộ cấp dưới, giữ được đoàn kết nội bộ... Thế nhưng, tôi cho rằng, trên tất cả những điều đó chính là cái tâm của chị, bỏ qua những yêu ghét giận hờn, làm tất cả vì mục đích chung. Đó cũng là lý do mà chị đã được nhận rất nhiều danh hiệu thi đua của các cấp trao tặng. Trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2006). Đặc biệt, khi chị nghỉ hưu, công nhân ngành Điện khu vực miền Nam đã tặng chị bức trướng, chị đã coi đây chính là phần thưởng vô giá của mình.