Theo khảo sát của mạng tuyển dụng CareerBuilder, 53% nhà tuyển dụng mong muốn nhân viên có mặt đúng giờ mỗi ngày, 41% sẽ sa thải người thường đi làm muộn. Trong khi đó, những lời bào chữa bị đánh giá rất kém, với 49% người đến muộn viện cớ do giao thông, ngủ quên chiếm 32%, cơ thể mệt mỏi 25%, và sự trì hoãn là 17%.
Tuy nhiên bạn đừng bao giờ cho rằng có một lý do thì có nghĩa là mọi việc ổn thoả. Thực tế bạn đã gây ảnh hưởng đến người khác. Tình trạng thường xuyên đi làm muộn có thể gây hại cho sự nghiệp lâu dài của bạn. Nó làm xấu đi hình ảnh cá nhân, gây giảm tín nhiệm của bạn trong mắt nhà tuyển dụng, tệ hơn nữa, nó buộc doanh nghiệp phải loại trừ bạn ra khỏi guồng máy của họ.
Tuy nhiên nếu trường hợp bất khả kháng, hãy đến muộn trong nỗ lực của người có trách nhiệm. Sau đây là 5 điều bạn được khuyên nên thực hiện:
1. Nhanh chóng thông báo
Đừng đột ngột "lặn mất tăm" không dấu vết vào một buổi sáng đẹp trời. Ngay khi xác định mình có khả năng sẽ đến muộn, điều tốt nhất nên làm là liên lạc với sếp thông báo sự việc, dự kiến thời gian bạn sẽ có mặt tại công ty và đưa ra phương án xử lý công việc trong lúc vắng mặt.
Đồng thời, hãy gọi điện báo cho các bên liên quan như nhân sự (nếu có quy định), đồng nghiệp... Sau đó, tranh thủ đưa ra thông tin của vài người có thể tạm thay thế bạn giải quyết các công việc trong trường hợp cần thiết.
2. Giải thích
Chắc chắn bạn cần tự giác đưa ra lời giải thích vì sao đi trễ với sếp, càng sớm càng tốt. Nếu đã có lý do chính đáng, hãy sử dụng nó! Nhưng nên nhớ là bạn đang giải thích, đừng cố bào chữa hay đổ lỗi.
Hãy đảm bảo lời giải thích của bạn đạt được 3 tiêu chí: rõ ràng, nhún nhường và ngắn gọn. Trình bày ngay vào lý do cụ thể và xác đáng để làm rõ sự cố thời gian vừa xảy ra. Diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, và tránh quanh co. Đặc biệt, đừng kể ra các câu chuyện quá ngớ ngẩn, kỳ quặc hay hoang đường nếu bạn thực sự không gặp phải nó.
3. Xin lỗi
Nếu bạn đã đi làm muộn, hành động thành khẩn nhận lỗi cũng có ý nghĩa. Chẳng hại gì nếu bạn nói lời xin lỗi. Bạn có thể gửi tin nhắn hoặc email để xin lỗi, hoặc bạn có thể xin lỗi trực tiếp nếu cho rằng mình đã khiến mọi thứ hơi hỗn loạn. Thái độ tích cực nhất là thừa nhận sai sót, khắc phục và tiến lên.
4. Cố gắng xử lý công việc từ xa
Sau khi xem xét tác động của việc đi trễ, bạn hãy đề nghị làm việc từ xa nếu có thể. Chỉ trừ trường hợp đang gấp rút lái xe đến chỗ làm, bạn vẫn có thể giúp đỡ một phần nào cho các đồng nghiệp thông qua điện thoại, email và các ứng dụng chat nếu đang ngồi trên xe bus, tại điểm sửa xe hay những nơi bạn đang chờ xử lý rắc rối như bệnh viện, trường học…
Nên tham gia các cuộc họp qua điện thoại nhằm tránh bỏ lỡ kế hoạch của mọi người. Ngoài ra, việc chủ động liên hệ và cập nhật tình hình với các khách hàng hoặc đối tác mà bạn đang làm việc cũng là cách tránh cho mọi thứ bị xáo trộn hoặc đình trệ.
5. Làm rõ rằng bạn sẽ không biến nó thành thói quen
Chắc chắn bạn không được phép để điều này tiếp diễn. Hãy lên kế hoạch làm việc từ trước, tăng quỹ thời gian di chuyển để phòng hờ cho những tình huống bất ngờ xảy ra khi giao thông trên đường, sắp xếp và chuẩn bị những việc cho con cái sẵn sàng từ tối hôm trước…
Hãy thể hiện cho sếp, quản lý nhân sự công ty và có thể là cả các đồng nghiệp thường xuyên tương tác với bạn rằng việc này sẽ không trở thành thông lệ. Bạn có thể nói những câu hàm ý "Tôi hiểu là công ty xem trọng giờ giấc, tôi nhận thức được các hệ quả tác động đến công việc, tôi đảm bảo sẽ đúng giờ trong tương lai. Hôm nay chỉ là việc bất khả kháng/ đột xuất ngoài ý muốn" để khẳng định. Hãy nghiêm khắc với bản thân để tránh lặp lại như một thói quen, trừ khi nếu muốn sếp không tin bạn nữa.