Nhà bia tại di tích Ly cung nhà Hồ ở Thanh Hóa
|
Ly cung nhà Hồ được Hồ Quý Ly cho xây dựng từ cuối thế kỷ 14, nằm ở núi Kim Âu. Rải rác trong khu di tích là những mảnh phế tích của kiến trúc cũ đã bị đổ nát. Giữa khu di tích còn lưu một tấm bia do vua Lê Tương Dực (1495-1516) soạn thảo năm 1511, nhân chuyến đi làm lễ yết các lăng ở Lam Kinh.
Nội dung tấm bia ca ngợi cảnh đẹp khu Ly cung. Di tích Ly cung được khai quật vào các năm 1979, 1980, 1983 và 1985, hé lộ về kiến trúc của sân và nền điện chính cùng một phần công trình phụ như: Tam quan, giếng ngọc, thành ngoài và các công trình sinh hoạt trong cung như bến tắm, suối Ngự, đình Vọng Nguyệt...
Với giá trị về phong cảnh tự nhiên, nghệ thuật kiến trúc và giá trị lịch sử của Ly cung, năm 1985, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa này. Đến năm 1999, Ly cung nhà Hồ được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Tuy nhiên, sau những năm tháng chiến tranh, cộng với thời gian, hiện nay di tích Ly cung nhà Hồ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Dù tỉnh Thanh Hóa có đầu tư kinh phí xây dựng nhà bia để bảo vệ tấm bia do vua Lê Tương Dực soạn thảo, nhưng do không có người bảo vệ, không có tường rào bao quanh, hiện nay khu vực này trở thành bãi chăn thả gia súc của người dân địa phương. Khu nhà bia bị viết, vẽ bậy lên cột, mái...
Nhiều cổ vật quý tại di tích này đã bị thất lạc và hư hỏng nặng nề.