Hiện trong tầng lớp doanh nhân đã xuất hiện nhiều nhà kinh doanh tài ba làm nên "thần kỳ Nhật Bản", hay những doanh nhân sáng lập và lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới như B.Gate, W.Buffet… Họ được ngợi ca không chỉ bởi sự giàu có, còn bởi họ đã "kinh doanh có văn hóa". Lợi ích của doanh nghiệp họ không hề mâu thuẫn với lợi ích của cộng đồng xã hội, thậm chí họ còn được ủng hộ, tôn vinh và bảo vệ.
Hòa với trào lưu chung của thế giới, những năm gần đây, các doanh nhân Việt Nam đã bắt đầu nhận ra vai trò của "kinh doanh có văn hóa", đồng thời cố gắng xây dựng nền văn hóa kinh doanh của Việt Nam, cũng như "văn hóa doanh nghiệp", "văn hóa doanh nhân" đặc trưng của mình. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp các doanh nghiệp và doanh nhân của chúng ta có thể lớn mạnh dần lên.
|
Doanh nhân phải kinh doanh có văn hóa (Ảnh minh họa) |
Trong các đề án gần đây, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp đã tiến hành các hoạt động nhằm xây dựng đạo đức doanh nhân Việt Nam, làm cốt lõi cho "văn hóa kinh doanh" Việt Nam. Theo góp ý của TS Phạm Duy Hải, ĐH Thương mại Hà Nội, việc xây dựng đạo đức doanh nhân Việt Nam phải đảm bảo phù hợp với các giá trị hiện đại mà vẫn "đậm đà bản sắc dân tộc", đặc trưng của phương Đông, đặc thù của Việt Nam.
Có như vậy "đạo đức doanh nhân Việt Nam" mới đi vào cuộc sống, được tiếp nhận một cách tự nhiên bởi các doanh nhân và cả cộng đồng người Việt, đồng thời tạo được bản sắc, sự khác biệt và hấp dẫn với các đối tác nước ngoài" - TS Hải nhấn mạnh đây chính là kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Chính vì có bản sắc riêng: vừa hiện đại vừa đậm chất phương Đông mà các doanh nhân các nước này luôn tự chủ và đầy bản lĩnh. Ngay cả các nước phương Tây giờ đây cũng học tập kinh nghiệm này để bổ sung cho "văn hóa hiện đại" của họ, nên không lý gì các doanh nhân người Việt lại không biết phát huy lợi thế phương Đông của mình để hình thành nên bản sắc riêng doanh nhân Việt Nam.
Đã có khá nhiều trường doanh nhân ra đời ở nước ta trong các năm gần đây như trường doanh nhân PACE, trường FPT, song theo cảm nhận của ông Hải, "màu sắc phương Đông và Việt Nam trong các chương trình đào tạo còn hơi khiếm tốn". Việc xây dựng văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp ở các công ty, tập đoàn nước ta cũng trong tình trạng tương tự. Chình vì thiếu tự tin với thế mạnh của mình mà các doanh nhân Việt Nam chưa thể kinh doanh bình đẳng với các đối tác nước ngoài.
Vậy đạo đức doanh nhân mang bản sắc Việt Nam là ở đâu? Câu trả lời chỉ có một là mỗi doanh nhân hãy luôn lấy "chữ liêm" làm đầu trong kinh doanh. Nếu không "liêm", không làm ăn ngay thẳng họ sẽ đánh mất niềm tin với đối tác và khách hàng, không thể làm ăn lớn trên thương trường. Nếu không giữ được "chữ liêm" thì càng không thể kêu gọi được các nhà đầu tư chân chính, thực sự muốn làm ăn với Việt Nam.
Chẳng hạn, trường hợp của Vinashin, lãnh đạo tập đoàn này đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua về những chiếc tầu thủy hết "date" gây thất thoát nghiêm trọng cho Nhà nước và nhân dân. Rồi trường hợp sữa ngoại và thuốc ngoại tăng giá một cách bất hợp lý, đã làm lợi cho các công ty nước ngoài nhưng làm khổ người dân trong nước khi luôn phải mua thuốc và sữa với giá cao hơn giá trị thực.
Vẫn biết xây dựng đạo đức doanh nhân là trách nhiệm cũng là lợi ích của mỗi doanh nhân. Tuy nhiên, các doanh nhân không thể tự làm một mình mà cần có sự định hướng và tham gia của Đảng, Nhà nước, của các ngành liên quan, cần sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, người tiêu dùng, qua đó mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.