Bé Nguyễn Tiến Đạt mới 9 tuổi, nhà ở xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chị Vinh kể, trước đây, Đạt rất chịu khó học và năm nào cũng được học sinh giỏi. Nhưng 1 năm trở lại đây, Đạt thường xuyên bị những cơn đau tim hành hạ.
“Cứ đang học thì cô giáo lại phải gọi gia đình đến đón Đạt về vì cơn đau tim hoành hành không thể chịu được" - nói tới đây, chị nghẹn lời vì thương con.
Trước đây, chồng chị Vinh là thợ xây, nay đi công trường này, mai đi xây chỗ khác. Dù vất vả, nhưng nhà cũng coi như có chút thu nhập. Nhưng chừng hai năm trước, anh bị thoát vị đĩa đệm, không thể làm việc nặng, vậy là bao lo toan cho gia đình 6 người dồn cả lên vai chị Vinh.
Công ăn việc làm không ổn định, chị Vinh cố lắm cũng chỉ cáng đáng đủ cho sáu miệng ăn trong nhà. Tới khi phát hiện Đạt bị bệnh, cả gia đình gom góp đưa con đi mổ tim, và đang tính chuyện đi vay nặng lãi để chữa bệnh cho con.
Chị Phạm Thị Vinh bên con trai - bệnh nhi Nguyễn Tiến Đạt
|
Cũng éo le không kém là trường hợp của cháu Nguyễn Thị Phương Anh - 5 tuổi, tại xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Khác với các bệnh nhi khác có bố, mẹ kề bên, cùng ở bệnh viện với Phương Anh cả tháng nay là bà ngoại Nguyễn Thị Loan.
“Nhà tôi ở miền núi, khổ lắm. Vợ chồng tôi thì tuổi cao sức yếu, không làm lụng được nhiều. Bố mẹ của cháu thì phải làm ăn xa, mãi Angola (ở Châu Phi - PV), làm mấy năm nay nhưng cuộc sống xứ người cũng nhọc nhằn. Nay nghe tin con bé phải mổ tim, bố mẹ cháu đang cố dồn tiền để mua cho được vé máy bay về với con”, bà Loan chia sẻ.
Nhìn bệnh nhi Phương Anh, chúng tôi không khỏi xót xa bởi cháu còn quá nhỏ mà đã phải đối mặt với ca phẫu thuật lớn. Phương Anh bị hở van 2 lá bẩm sinh, để thực hiện ca phẫu thuật cần kinh phí chừng 80 triệu. Bà Loan thở dài, gia đình chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ từ bảo hiểm và sự giúp đỡ của mọi người, chứ không biết kiếm đâu số tiền lớn như vậy để chữa bệnh cho cháu.
Cũng tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, chúng tôi còn được biết đến hoàn cảnh của gia đình bệnh nhi Lý Văn Trung, 13 tuổi, người dân tộc Nùng. Nhà Trung ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Anh Lý Văn Nghị - bố cháu Trung kể về hoàn cảnh gia đình với vốn tiếng Kinh ít ỏi của mình: “Cả nhà làm ruộng, không có tiền chữa bệnh cho con đâu! Biết là con bị đau nhưng không có tiền thì đành chịu thôi...!”
Ông Khuất Quang Mậu - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam đại diện CBCNV EVN trao số tiền hỗ trợ của EVN tới gia đình các bệnh nhi
|
Chia sẻ với nỗi đau của các bệnh nhi và những lo âu kinh tế của các gia đình người bệnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đến và trao tặng 150 triệu đồng để hỗ trợ kinh phí mổ tim cho 3 em nhỏ này.
“Đây là việc làm thể hiện trách nhiệm của EVN với cộng đồng xã hội. EVN mong muốn sẻ chia khó khăn với các gia đình người bệnh, thắp lên niềm tin tương lai cho các cháu và gia đình” - ông Khuất Quang Mậu, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho hay.
Gửi lời cám ơn tới EVN, chị Phạm Thị Vinh bật khóc và chia sẻ với chúng tôi: “Tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của EVN. Với số tiền 50 triệu đồng này, con tôi sẽ được thực hiện ca phẫu thuật điều trị bệnh”.
Được biết, việc EVN trao tặng 150 triệu đồng hỗ trợ chi phí mổ tim cho 3 bệnh nhi là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 8, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, báo Nhà báo và Công Luận, Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội tổ chức.
Đại diện chương trình “Những trái tim đồng cảm” - ông Nguyễn Văn Á, Phó Trưởng Ban tổ chức cũng gửi lời cảm ơn tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình và nhấn mạnh: 3 bệnh nhi kể trên là những trường hợp đặc biệt khó khăn. 2 trong số 3 bệnh nhi là người dân tộc thiểu số. Với số tiền hỗ trợ thiết thực từ EVN, các bệnh nhi sẽ được điều trị tích cực để sớm khỏe mạnh tiếp tục học tập, và có tương lai tươi sáng hơn.