Gánh cơm ca

Giờ đây, đã trên 30 năm rồi, nhưng hình ảnh của bác Kiên, bác Cửu - những người gánh cơm ca cho công nhân vẫn in đậm trong trí nhớ của CBCNV Nhà máy Điện Uông Bí.

Năm 1973, Nhà máy Điện Uông Bí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 25 năm sau, năm 1998 Nhà máy lại được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vinh dự đó đánh dấu sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước với những công lao đóng góp của Cán bộ công nhân viên nhà máy. Cùng đóng góp công lao để làm nên thành tích đó chắc ít người nhớ về công việc của những người phụ nữ phục vụ trong ngành đời sống của Nhà máy, trong đó có người phụ nữ làm nhiệm vụ gánh cơm cho những công nhân trực ca vận hành. Giờ đây, đã trên 30 năm rồi, nhưng hình ảnh của bác Kiên, bác Cửu - những người gánh cơm ca cho công nhân vẫn in đậm trong trí nhớ của CBCNV.

Tôi về Nhà máy Điện Uông Bí công tác năm 1980, Nhà máy khi đó có công suất 153 MW được coi là nhiệt điện lớn nhất Đông Dương thời đó, giữ vai trò chủ đạo trong việc cấp điện cho miền Bắc. Khu tập thể nhà máy dành cho công nhân xa quê có 3 ngôi nhà, 2 ngôi nhà 3 tầng và một ngôi nhà 4 tầng, cư trú tại đó gồm cán bộ, công nhân các phân xưởng Nhiên liệu, Lò, Máy, Điện, Kiểm nhiệt và Hóa. Hàng ngày, chúng tôi ăn cơm tại nhà ăn tập thể, bữa ăn chính vào đầu giờ làm việc buổi sáng và cuối buổi chiều mỗi ngày. Giờ ăn như vậy chỉ hợp với anh em đi tầm, còn với anh em làm ca thì lại không hợp lý, đặc biệt khi vào những kỳ đi 3 ca, một giờ đêm giao ca chiều, bẩy rưỡi sáng đã đi tiếp ca ngày thì không thể ăn sớm được.

Từ đó, không biết ai có sáng kiến là bốtrí cho anh em trực ca ăn tại vị trí trực, bằng cách gánh cơm vào cho công nhân và nhà ăn đã chọn bác Kiên, bác Cửu làm nhiệm vụ này. Mỗi khi đi ca sáng hoặc ca chiều, chúng tôi cầm vé ăn xuống nhà ăn gửi chị trực quầy rồi đi vào nhà máy nhận ca. Đúng giờ, hai bác vào nhà ăn nhận số lượng vé gửi, vệ sinh lại các ngăn cặp lồng xong lấy cơm, thức ăn vào đó, chia lượng cặp lồng làm hai, chằng buộc vào hai đầu đòn gánh, rồi gánh vào khu vực vận hành. Một bác đến cửa gian Lò, một bác đến cửa gian Máy hạ gánh trên vai xuống, xách từng cặp lồng vào các vị trí trực ca của chúng tôi, bác vào gian Lò thì đi thêm ra vị trí trực nhà dầu, Hydrô, nước ngọt, bác vào gian Máy thì đi thêm các vị trí trực điện phân phối và trạm bơm tuần hoàn. Sau đó ngồi chờ anh em ăn xong, lại đi thu cặp lồng gồng gánh ra về, buổi sáng xong việc cũng đã ngoài 10 giờ trưa.

Lễ khánh thành đợt 1 Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (công suất 48 MW) năm 1963 
Ảnh: Trần Nguyên Hợi

Về nghỉ ngơi để 3 giờ chiều lại đi đến nhà ăn, chuẩn bị gánh cơm cho những người gửi cơm ca chiều, xong việc về đến nhà cũng đã 8 giờ tối rồi.  Cứ như vậy, hết tuần, hết tháng, hết năm, các bác cần mẫn làm nhiệm vụ với dụng cụ chỉ là chiếc đòn gánh đã mòn và hai đoạn dây thừng, bởi những người ngành điện đi ca có được nghỉ đâu, theo lịch ca, đến ca là đi chẳng có ngày lễ, ngày tết, chẳng trừngày đông giá lạnh, những lúc gió giông, các bác cũng theo ca của chúng tôi như vậy và đã thành quen. Ngày đó, tôi chẳng nghĩ ra để hỏi không biết các bác có được chế độ độc hại gì không, bởi cũng đi vào vùng nguy hiểm như vị trí trực máy nghiền, tuần hoàn, khử khí, tiếp nước… vào những nơi đó có thể gặp xỉ sập đuôi lò, buồng lửa Lò hơi dương, đường ống cấp nước, hơi quá nhiệt áp lực trên 150 áp mốt phe bị xì bất cứ lúc nào.

Chúng tôi giao nhận ca xong, chờ cơm của các bác gánh vào. Nhận cặp lồng trên tay bao giờ cũng được hỏi hôm qua ăn có hết không, có đói không, nước mắm lấy như vậy đủ chưa…Tôi biết các bác hỏi vậy thôi, chứ chỉ sau thời gian ngắn gánh cơm các bác đã hiểu tâm tính từng người, thằng này ăn khỏe thêm cơm, cố tìm chút cơm dẻo cho thằng khác biết nó có bệnh dạ dày, thằng kia ăn hay chan nước, chú này ăn mặn lấy thêm cho chút nước mắm và không quên lát ớt cho nó. Mỗi người một tính, một nết, các bác hiểu cả. Ngồi ăn suất cơm có hôm đã nguội lạnh do bận xử lý sự cố trong tiếng máy chạy ầm ầm, tuy thức ăn chẳng có đáng bao nhiêu, nhưng công chuẩn bị cùng những lời hỏi ân cần luôn làm chúng tôi ấm lòng trở lại.

Có lẽ năm tháng cuộc đời ca kíp của những người xa quê để luôn có được những ca vận hành an toàn, với chúng tôi có một phần công sức của hai bác. Các bác đã luôn coi chúng tôi như người thân, người con, chăm lo từng bữa ăn sao cho ăn ngon, ăn đủ, ăn hết để có sức khỏe mà sản xuất, để quên bớt đi nỗi nhớ nhà mà hoàn thành nhiệm vụ.

Những năm cuối của thập kỷ 80, đời sống của người công nhân đỡ vất vả hơn, công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước đã có những thay đổi trong quản lý và phân phối. Chúng tôi không còn chế độ tem phiếu, tự lo lấy bữa ăn của mình, cũng là thời điểm nhà ăn tập thể đang dần bị thay thế bởi những bếp ăn riêng lẻ, không còn phải gửi cơm ca nữa, cũng là thời điểm hai bác đến tuổi về nghỉ chế độ.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua, hai bác bây giờvẫn sống cùng con cháu, một lúc nào đó chắc sẽ nhớ về những gánh cơm ca của mình, nhưng có lẽ không còn nhớ đã gánh bao nhiêu gánh cơm cho biết bao con người trong thời gian hàng chục năm trời. Và không biết có còn nhiều người nhớ về hai bác không, nhưng với tôi hình ảnh hai bác gánh những cặp lồng cơm trên vai đi vào nhà máy vẫn chưa thể phai mờ.

Viết những dòng này, để mỗi chúng ta khi nghĩ về những đóng góp của nhà máy, những đóng góp của ngành Điện Việt Nam trải qua 61 năm qua đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, công sức của người phụ nữ ngành Điện là vô cùng lớn lao và trong bể công sức đó không thể không nhớ những công việc thầm lặng tưởng như nhỏ bé dễ quên, đó là công của những người phụ nữ gánh cơm ca. Xin gửi tới hai bác Kiên, Cửu lời cảm ơn và lời kính chúc sức khỏe.


  • 07/09/2016 02:51
  • Nguồn: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 1220