“Chỉ đơn giản là để đồng nghiệp bớt vất vả”
Khi được hỏi: “Lái xe cẩu có vẻ không liên quan đến kỹ thuật lắm, vậy anh làm thế nào để có sáng kiến?”, anh cười hiền lành: “Cha tôi vốn là công nhân điện. Bản thân tôi từng học Trường Kỹ thuật Điện Hóc Môn, về Điện lực Tây Ninh được bố trí làm đúng chuyên môn nên tôi hiểu và yêu cái nghề của mình lắm. Sau này khi có tuổi, được lãnh đạo ưu tiên bố trí về lái xe cẩu vận hành, sửa chữa lưới điện. Lái xe tưởng chừng đơn giản nhưng phải hết sức cẩn thận. Mình ngồi trên xe nhưng đồng nghiệp của mình đang ở dưới đất, xung quanh mình. Sơ suất là nguy hiểm vô cùng. Lái xe, tôi có thời gian quan sát bao quát công việc của anh em, từ đó có những sáng kiến để anh em triển khai công việc tốt hơn”.
Anh Hồ Phước Vĩnh (giữa) cùng các đồng nghiệp tại công trường.
|
Sáng kiến được đồng nghiệp của anh nhắc đến nhiều nhất là sáng kiến “Máy ép đột thủy lực 75 tấn EĐTL-75T”. Kể về sáng kiến này, anh Vĩnh chia sẻ: “Đơn giản là để đồng đội của tôi bớt chút vất vả”. Đặc thù địa bàn Tây Ninh là đồi núi, ruộng rẫy, công nhân ngành Điện vì thế cũng gặp nhiều trở ngại khi kéo mới hoặc sửa chữa lưới điện. Đặc biệt là khi thiết bị mang vào không đúng kích thước, anh em công nhân phải quay ngược trở ra, nhiều khi phải đi rất xa mới tìm được nguồn điện để gia công lại thiết bị, khiến cho việc khắc phục sự cố điện mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
“Thấy anh em vất vả quá, tôi mới nghĩ ra sáng kiến máy ép đột thủy lực 75 tấn EĐTL-75T. Mình sẽ sử dụng thêm công năng của hệ thống thủy lực hiện có của xe cẩu vào quá trình sản xuất tại công trường. Nói dễ hiểu là sẽ có một cái máy sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng của xe cẩu, xe cẩu chở cái máy đó đi thẳng tới hiện trường nên rất tiện lợi cho anh em, không phải vất vả đội mưa gió, vượt ruộng rẫy như trước” - anh Vĩnh giải thích.
Không có tập thể, sáng kiến sẽ chỉ là ý tưởng
“Sáng kiến của tôi xuất phát từ những khó khăn của đồng nghiệp nhưng khi đã có sáng kiến rồi, nếu không có tập thể thì sáng kiến sẽ chỉ mãi là ý tưởng” - anh Hồ Phước Vĩnh đúc kết. Anh bộc bạch, bản thân mình là công nhân trực tiếp sản xuất, ý tưởng có nhưng khi triển khai đôi khi gặp những khó khăn nhất định do "không bắt kịp" kiến thức về các nguyên lý hoạt động của máy móc, “khi đó, đồng nghiệp sẽ hỗ trợ tôi”. Hoặc khi có ý tưởng rồi nhưng bắt tay vào làm thì lại thiếu kinh phí, lúc đó Công đoàn lại "đứng ra". Anh cười: “Đầu tư cải tiến một cái máy không phải chỉ vẽ trên giấy rồi ráp vào thực tế là chạy ngay mà phải trải qua vài lần thử nghiệm. Đầu tư cho thiết bị thử nghiệm nhiều khi mất cả tháng lương, nếu không có Công đoàn hỗ trợ, có thể các sáng kiến sẽ đứt gánh giữa đường”.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Tây Ninh - Đỗ Anh Dũng cho biết: “Các sáng kiến của anh Vĩnh đều xuất phát từ quá trình lao động sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế không chỉ cho Công ty mà còn cho ngành Điện. Đơn cử như sáng kiến Máy ép đột thủy lực 75 tấn EĐTL-75T, giúp giảm chi phí, nhân lực, đặc biệt là giảm thời gian mất điện theo yêu cầu của ngành. Anh Vĩnh là một tấm gương cho thợ trẻ, dù ở vị trí nào cũng luôn cố gắng, nỗ lực hết mình vì công việc, vì đồng nghiệp”.
Từ năm 2013 - 2017, anh Hồ Phước Vĩnh có 2 sáng kiến nổi bật là “Tời kéo thủy lực TKTL1500” và “Máy ép đột thủy lực 75 tấn EĐTL-75T” mang lại hiệu quả lớn.
Nhiều năm liền, anh Vĩnh là Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ Công Thương. Anh được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn LĐVN, Bằng khen của tỉnh Tây Ninh, đạt nhiều giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo toàn quốc.
Năm 2016, anh vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
|